Đón làn sóng đầu tư
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 tổ chức cuối tuần trước, tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, với tổng vốn đăng ký 18.997 tỷ đồng. Tiêu biểu như Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan Miền Tây 2 của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, Nhà máy Chế biến gạo chất lượng cao Vì Dân của Công ty cổ phần Gạo Vì Dân với 1.134 tỷ đồng; Khu dân cư thương mại Vị Thanh của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC Group) có tổng mức đầu tư 5.649 tỷ đồng…
Tại Hội nghị, đã có 8 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 220.0000 tỷ đồng được ký kết giữa đại diện lãnh đạo tỉnh Hậu Giang với các nhà đầu tư. Trong đó, bản ghi nhớ trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch với Công ty cổ phần Him Lam có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD; biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp với Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; bản ghi nhớ trong các lĩnh vực chuyển đổi số, giáo dục và đô thị với Công ty cổ phần FPT có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng…
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đối với 12 dự án được trao chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, UBND tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thường xuyên làm việc với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tiến độ để các dự án đi vào hoạt động trong thời gian nhanh nhất. Đối với 8 dự án ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư, tỉnh tập trung hoàn thiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các điều kiện pháp lý cần thiết khác theo quy định để đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành cùng địa phương về tăng trưởng xanh, hỗ trợ tỉnh tiếp cận vốn ODA tập trung đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng; hỗ trợ trong giải ngân vốn đầu tư công, kết nối quảng bá, xúc tiến đầu tư với một số địa phương, một số quốc gia…
Khơi dậy tiềm năng
Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC Group) nhận định, Quốc hội vừa thông qua chủ trương và cơ chế đầu tư một loạt công trình đường cao tốc, trong đó có cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Cùng với Dự án Nâng cấp cải tạo Quốc lộ 61C sắp được triển khai, việc kết nối Hậu Giang với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rất thuận lợi, khoảng cách di chuyển rút ngắn đáng kể, tạo đà bứt phá cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Theo ông Tăng, DIC Group đã và đang triển khai nhiều dự án lớn tại Hậu Giang. Đặc biệt, ngày 16/7, DIC Group đã khởi công xây dựng Dự án Khách sạn – Hội nghị DIC Star Hậu Giang tiêu chuẩn 5 sao tại TP. Vị Thanh, với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng.
Đại diện doanh nghiệp 100% vốn từ CHLB Đức, ông Frank Schellenberg, Chủ tịch DIGI-TEXX Việt Nam cho rằng, cơ hội đầu tư của DIGI-TEXX tại Hậu Giang là rất lớn. Ngoài tiềm năng về con người với đội ngũ nhân lực trẻ, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghệ cao.
Chỉ ra các điểm mạnh của Hậu Giang, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho rằng, tỉnh có ưu thế đặc biệt trong khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp ở vùng giáp ranh. Nếu Hậu Giang tận dụng được lợi thế đặc trưng mà khó có tỉnh nào có được này, thì Minh Phú sẽ sẵn sàng đầu tư 3-5 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở các khu công nghiệp vùng giáp ranh.
Đồng thời, Minh Phú sẽ kêu gọi các công ty đối tác của Tập đoàn đầu tư các nhà máy vệ tinh/phụ trợ như bao bì giấy, bao bì nhựa, bột, nước sốt, gia vị, các nhà máy sản xuất các máy móc thiết bị và dụng cụ chế biến tôm…, để tạo ra những khu công nghiệp phức hợp đa ngành nghề tại tỉnh Hậu Giang.
Để lại một phản hồi