30-50% thời gian học tập của sinh viên Phenikaa là trải nghiệm thực tế, thực hành tại các dự án nghiên cứu ứng dụng trong hệ sinh thái Phenikaa cũng như đi thực tập tại các công ty thành viên của Tập đoàn Phenikaa và doanh nghiệp đối tác. Đây là thông tin được GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng đại học Phenikaa đưa ra tại buổi gặp gỡ báo chí cách đây không lâu.
“Thông qua việc các em tiếp xúc sớm với doanh nghiệp, biết được yêu cầu của nhà tuyển dụng, biết các kỹ năng cần thiết mà các em cần trau dồi, rèn giũa, học tập thì chúng tôi tin rằng khả năng các em tìm được công việc tốt khi ra trường sẽ rất cao”.
Đặc biệt hơn, Hiệu trường Phạm Thành Huy cho biết, ngay trong quá trình thực tập, nhiều học sinh vẫn được nhận lương nếu có đóng góp tích cực cho dự án. Ví dụ tại, Phenikaa X – công ty phát triển xe ô tô không người lái, đã có sinh viên năm hai đang thực tập và nhận mức lương khá tốt. Cá biệt có những học sinh đanh thực tập nhưng đã tiến tới mức lương hàng nghìn USD.
“Trường đã có sinh viên công nghệ thông tin đến năm thứ ba đạt được mức lương 2800$/ tháng. Đó là do kết nối bền vững giữa doanh nghiệp và nhà trường, chúng tôi đã có những thỏa thuận với doanh nghiệp nước ngoài từ trước khi các em ra trường“, thầy Huy tiết lộ.
GS. TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Đại học Phenikaa.
Cũng theo tiết lộ của hiệu trưởng, với Phenikaa, mô hình đại học đang dần thay đổi. Nếu trước đây, các giảng viên chỉ tham gia hoạt động chính là đào tạo, nghiên cứu dự án; sự chuyển giao giữa nhà trường với khối doanh nghiệp khá ít. Thì đến thời điểm hiện tại, các tài sản trí tuệ của giảng viên có thể là tiền đề hình thành doanh nghiệp.
Cụ thể, trong hơn 2 năm qua, nhà trường đã tự thành lập 6-7 doanh nghiệp với đội ngũ xuất phát từ các thầy cô, như: Công ty Phenikaa T, Công ty Chuyển đổi số Phenikaa, Công ty CP Phenikaa X, công ty nghiên cứu và kiểm nghiệm thuốc AVP, Công ty cổ phần công nghệ và giải pháp chiếu sáng, ..
“Như vậy, các tài sản trí tuệ của các thầy cô được lượng giá, định giá, giáo viên cũng có cổ phần trong các công ty. Nhưng quan trọng hơn chúng tôi đã tạo được môi trường đổi mới sáng tạo”.
“Chúng tôi mong muốn với mô hình này, nguồn thu của nhà trường không chỉ đến từ học phí (giảm bớt gánh nặng học phí đến với người học) mà giờ đây nhà trường có thể có doanh thu từ các hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động thúc đẩy các sản phẩm mới để tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội”, GS.TS. Phạm Thành Huy nói.
Thành lập năm 2007, Đại học Phenikaa tiền thân là Đại học Thành Tây. Trường được xây dựng trên diện tích hơn 13 ha và chi phí lên tới hơn 1.600 tỷ đồng. Hiện nay, Phenikaa đang có có 4 khối ngành gồm: Kỹ thuật công nghệ, sức khoẻ, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế và kinh doanh.
https://babfx.com/hieu-truong-dai-hoc-phenikaa-tiet-lo-da-co-sinh-vien-nam-3-dat-muc-luong-2800-usd-thang-2022070209514518.chn
Nhật Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Để lại một phản hồi