Đón dòng vốn FDI lớn
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Quảng Ninh Hội tụ và lan toả” được tổ chức chiều 26/7, nhân sự kiện Kỳ họp III Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) tại TP. Hạ Long.
Đây cũng là Hội nghị xúc tiến đầu tư đầu tiên trong năm 2022 của Quảng Ninh, với sự tham dự của các thành viên ABAC đến từ 21 nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là các tập đoàn lớn trên thế giới, hoạt động những lĩnh vực ngành nghề mà Quảng Ninh định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư.
Có thể nhắc tới lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo thiết bị điện tử với sự có mặt của Tập đoàn NEC Corporation (tập đoàn điện tử và công nghệ thông tin đa quốc gia của Nhật Bản), Tập đoàn Quanta Computer (một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới), Tập đoàn BAE Systems plc (công ty vũ trụ, an ninh và vũ trụ đa quốc gia của Anh, lớn nhất ở châu Âu và được xếp hạng lớn thứ bảy trên thế giới dựa trên doanh thu hiện hành năm 2021).
Hội nghị xúc tiến đầu tư đầu tiên trong năm 2022 của Quảng Ninh có sự tham gia của thành viên ABAC đến từ 21 nền kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. |
Hay Tập đoàn UPS – United Parcel Service – một trong những doanh nghiệp chuyển phát nhanh lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ); Tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực năng lượng như Manufacturing Council of PNG….
Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của một số tổ chức quốc tế uy tín như Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF), Liên đoàn ngành công nghiệp Thái Lan (FTI)…
Công ty CP Hoá dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP). Ảnh: Thu Lê. |
Tại Hội nghị, hai nhà đầu tư nước ngoài lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư với tổng vốn hơn 1,7 tỷ USD vào Quảng Ninh.
Cụ thể, Công ty CP Hoá dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP).
Công ty Vietnam Investment Q Limited (thuộc Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima, Nhật Bản) ký kết thỏa thuận giữ đất (7,6 ha tại lô đất CN5 của KCN Bắc Tiền Phong) với DEEP C, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng, nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại, với vốn đầu tư dự kiến 23,9 triệu USD.
Có ba dự án mới được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay tại Hội nghị với tổng vốn hơn 68,7 triệu USD.
Trong đó, Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong CN2.1C được trao cho Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong. Dự án có tổng mức đầu tư là 20,5 triệu, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại tại KCN Bắc Tiền Phong.
Dự án thứ hai là Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3) của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) tại KCN Sông Khoai, với tổng mức đầu tư 35,56 triệu USD.
Dự án thứ ba là của Jinko Solar Việt Nam, có tổng mức đầu tư gần 12,65 triệu USD, đầu tư Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên để phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong KCN Sông Khoai.
Nhiều lợi thế so sánh nổi trội
Trong khuôn khổ của Hội nghị, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu đến các nhà đầu tư các lợi thế so sánh nổi trội của Quảng Ninh. Theo ông Văn, lợi thế lớn nhất đến từ vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế khi là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong đó có 3 cửa khẩu. Đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển thương mại biên mậu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Lợi thế thứ hai đến từ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, hệ sinh thái tự nhiên phong phú, địa hình đa đạng vừa có biển, vừa có rừng, núi cùng với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái tử Long, có tiềm năng nổi trội trong phát triển kinh tế biển và hệ thống cảng biển trải dài đang dần hình thành.
Lợi thế thứ ba là hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của Tỉnh dần được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với đầy đủ các loại hình giao thông (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy – hàng hải quốc tế). Đặc biệt, Quảng Ninh có tuyến cao tốc dài hơn 200 km chạy dọc suốt tỉnh (chiếm 1/10 chiều dài đường cao tốc cả nước), giúp thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ còn lại 1,5 giờ và đến thành phố Móng Cái (cửa khẩu quốc tế của tỉnh Quảng Ninh) chỉ còn 3 giờ di chuyển.
Lợi thế thứ tư trong thu hút đầu tư của Quảng Ninh chính là hệ thống hạ tầng “mềm”. Môi trường đầu tư – kinh doanh 5 năm liên tiếp đứng thứ nhất Việt Nam; thành lập tổ công tác hỗ trợ mọi thủ tục đầu tư, xây dựng, sản xuất – kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động của Dự án.
Lợi thế thứ năm nằm ở diện tích công nghiệp lớn. Quảng Ninh hiện có 2 khu kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu, 16 khu công nghiệp. Các khu kinh tế, khu công nghiệp của Quảng Ninh được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cao tốc… Hiện tại đã có 548,61 ha đất công nghiệp được đầu tư hạ tầng có thể sẵn sàng cho các nhà đầu tư thuê, đến năm 2025 có 3.658 ha và đến năm 2030 có 5.904 ha. Nhiều lợi thế khác về nguồn lao động, hạ tầng điện nước cũng được giới thiệu đến nhà đầu tư.
Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (đứng bên phải) tại KCN Sông Khoai nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3), với tổng mức đầu tư 35,56 triệu USD. Ảnh: Thu Lê. |
Dưới sự điều phối của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đặt các câu hỏi với chính quyền tỉnh Quảng Ninh về môi trường đầu tư, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh tại phiên thảo luận, với chủ đề “Quảng Ninh – Điểm đến đầu tư hấp dẫn”. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tham dự cũng đã có đánh giá cao về lợi thế cạnh tranh của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư.
Ông Csaba Bundik, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Trung và Đông Âu đánh giá: “Tỉnh Quảng Ninh được các nhà đầu tư của châu Âu biết đến rất nhiều do những lợi ích liên quan đến hậu cần, vị trí. Đó không phải là thành tựu tự nhiên có được mà là kết quả của chiến lược mang tính chất dài hạn, tầm nhìn lâu dài của Quảng Ninh”.
Trong thời gian qua, nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được Quảng Ninh được thiết lập, vận hành hiệu quả như Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Investor Care…
Đáng chú ý, năm 2021, sau dự án sản xuất tế bào quang điện của Tập đoàn Jinko Solar với tổng mức đầu tư xấp xỉ 500 triệu USD được chấp thuận trong 48 giờ, đến nay, Tập đoàn Jinko Solar tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu USD; đây là minh chứng sống động về môi trường đầu tư thông thoáng đã thực sự thuyến phục được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có uy tín đầu tư vào Quảng Ninh.
Để lại một phản hồi