KBSV: Thị trường giảm mạnh nhưng định giá nhiều nhóm cổ phiếu vẫn chưa về mức hấp dẫn

Định giá hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực

Trong Báo cáo triển vọng thị trường nửa cuối năm, Chứng khoán KBSV đánh giá chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh trong quý 2 với nguyên nhân chủ yếu đến từ diễn biến tiêu cực của TTCK toàn cầu trước các lo ngại tăng dần về rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ dưới tác động của việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát tăng mạnh. Tính cho nửa đầu năm 2022, chỉ số VN-Index giảm 22,5% về điểm số, trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên giảm 5% so với cùng kỳ.

KBSV: Thị trường giảm mạnh nhưng định giá nhiều nhóm cổ phiếu vẫn chưa về mức hấp dẫn - Ảnh 1.

Đội ngũ phân tích đánh giá những đợt giảm điểm mạnh đã khiến định giá của thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn vượt trội hơn các thị trường trong khu vực. Cụ thể, chỉ số P/B và P/E của VN-Index ở mức thấp (trong tương quan so sánh tăng trưởng EPS bình quân 3 năm gần nhất và P/E). Điều này cũng được phản ánh qua động thái mua ròng của khối ngoại trong giai đoạn chỉ số VN-Index điều chỉnh sâu thời gian qua, trong khi đẩy mạnh bán ròng ở các thị trường trong khu vực.

Việc chứng khoán Việt Nam bị định giá thấp bất chấp sự lành mạnh về cả nền tảng vĩ mô lẫn vi mô doanh nghiệp đã diễn ra trong 1 thời gian dài và nguyên nhân lớn chủ yếu do thị trường Việt Nam hiện vẫn đang là thị trường cận biên. Theo đó, khoảng cách về mặt định giá này sẽ sớm được thu hẹp nếu triển vọng nâng hạng thị trường dần rõ nét hơn (quá trình dự kiến sẽ diễn ra trong 2-3 năm tới), phản ánh triển vọng tích cực của thị trường trong dài hạn.

Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh trong quý 2, P/E trượt 12 tháng của VN-Index đang ở mức 13,2 lần. Theo thống kê, với mức P/E forward 2022 ở mức 12,2 lần chỉ xuất hiện 3 lần duy nhất trong lịch sử 10 năm trở lại đây. Thứ nhất giai đoạn năm 2012 do các bất ổn vĩ mô sau khủng hoảng 2009. Thứ hai giai đoạn cuối năm 2015 đầu năm 2016 trước lo ngại Trung Quốc hạ cánh cứng và FED nâng lãi suất lần đầu sau khủng hoảng tài chính. Cuối cùng là giai đoạn đầu năm 2020 do khủng hoảng Covid-19.

KBSV: Thị trường giảm mạnh nhưng định giá nhiều nhóm cổ phiếu vẫn chưa về mức hấp dẫn - Ảnh 2.

Như vậy, điểm chung của cả 3 đợt giảm sâu này với đợt giảm hiện tại là đều đến từ các lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này phần nào lý giải diễn biến điều chỉnh của chứng khoán Việt Nam trong quý 2 vừa qua.

Định giá nhiều nhóm ngành chưa thực sự hấp dẫn

Theo phân tích ở trên, P/E forward 2022 của chỉ số VN-Index hiện chỉ cao hơn 3 giai đoạn trong quá khứ và điểm chung của cả 4 giai đoạn (bao gồm giai đoạn hiện tại) là đà sụt giảm của thị trường đều đến từ các rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong đó, KBSV đánh giá bối cảnh vĩ mô hiện tại có sự tương đồng rất lớn với giai đoạn cuối 2015, đầu 2016. Thời điểm thị trường tài chính toàn cầu lo ngại rủi ro kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng, Fed nâng lãi suất lần đầu kể từ khủng hoảng tài chính 2009), trong khi kinh tế trong nước vẫn phát đi những tín hiệu tích cực.

KBSV: Thị trường giảm mạnh nhưng định giá nhiều nhóm cổ phiếu vẫn chưa về mức hấp dẫn - Ảnh 3.

Trong khi đó, giai đoạn năm 2012 kinh tế trong nước có nhiều bất ổn do hệ lụy từ khủng hoảng tài chính 2009, giai đoạn đầu 2020 đến từ bùng phát dịch Covid-19 đều có nét đặc trưng riêng. Xét tương quan P/B trong quá khứ, một số nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao đang quay lại vùng định giá thấp, song nhiều nhóm vẫn có mức định giá chưa thực sự hấp dẫn.

Đội ngũ phân tích sử dụng phương pháp so sánh tương quan P/B của các ngành có tính chu kỳ cao (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép) ở 2 giai đoạn để đánh giá mức độ hấp dẫn của các ngành này trong bối cảnh hiện tại sau nhịp điều chỉnh sâu. Bởi việc sử dụng so sánh P/E sẽ không thực sự chuẩn xác do lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc các ngành này thường có xu hướng biến động mạnh ở các giai đoạn vĩ mô bất ổn.

KBSV: Thị trường giảm mạnh nhưng định giá nhiều nhóm cổ phiếu vẫn chưa về mức hấp dẫn - Ảnh 4.

Theo so sánh tương quan P/B hiện tại với mức P/B thấp nhất giai đoạn 2015 – 2016, ngoại trừ nhóm thép thấp hơn 7%, nhóm ngân hàng, chứng khoán, BĐS vẫn đang giao dịch với P/B cao hơn lần lượt 23%, 30% và 60%. Điều này không có nghĩa cổ phiếu các ngành này cần giảm thêm 1 mức tương ứng do bối cảnh vĩ mô, và mức độ phản ánh giá trị nội tại doanh nghiệp qua chỉ số P/B ở 2 giai đoạn có sự khác biệt. Tuy nhiên, từ con số trên có thể thấy định giá các nhóm cổ phiếu này chưa hẳn đã hấp dẫn nếu so với vùng đáy 2015-2016, vốn có điểm tương đồng so với giai đoạn hiện tại.

https://babfx.com/kbsv-thi-truong-giam-manh-nhung-dinh-gia-nhieu-nhom-co-phieu-van-chua-ve-muc-hap-dan-20220708201313403.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*