Sự cố xảy ra ngoài khơi Australia hồi tháng 8/2017 khi chiếc MV-22B Osprey thuộc Phi đoàn trực thăng lai số 265 của thủy quân lục chiến Mỹ tìm cách hạ cánh xuống sàn đáp tàu vận tải đổ bộ USS Green Bay, nhưng video về tai nạn lần đầu xuất hiện trên mạng xã hội hôm 3/7.
Trong video, chiếc MV-22B tiếp cận sàn đáp của USS Green Bay, khi đó đang có nhiều trực thăng đậu sẵn. Phi cơ đột ngột nghiêng về bên trái và mất độ cao, khiến động cơ trái đập mạnh xuống sàn đáp. Các thủy thủ có mặt trên boong tàu vội vã bỏ chạy, trong lúc máy bay tiếp tục chúi xuống. Người quay phim đứng trong nhà chứa phi cơ cũng nhận ra nguy hiểm và tìm cách thoát thân.
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bình luận về video này.
Có 26 binh sĩ Mỹ trên máy bay vào thời điểm xảy ra tai nạn, trong đó ba người thiệt mạng gồm phi công phụ, cơ giới trên không và một lính bộ binh.
Kết quả điều tra được thủy quân lục chiến Mỹ công bố năm 2018 cho biết phi cơ bị rơi do gặp luồng khí ép xuống quá mạnh và không đủ lực nâng để giữ trạng thái bay treo, thêm rằng chiếc MV-22B có thể chở quá nặng trong nhiệm vụ này. Thủy quân lục chiến Mỹ khẳng định đây là tai nạn bất ngờ, không phải lỗi con người và đã điều chỉnh quy trình vận hành để ngăn những sự cố tương tự trong tương lai.
Trực thăng lai V-22 được Lầu Năm Góc đặt hàng phát triển từ năm 1983, với mục tiêu tạo ra loại máy bay phản lực có thể hoạt động ở các địa hình nhỏ hẹp như rừng rậm, đường băng dã chiến cực ngắn hoặc tàu sân bay trực thăng. Dòng phi cơ được chia ra nhiều biến thể gồm CV-22B dành cho không quân Mỹ, MV-22B của thủy quân lục chiến và CMV-22B cho hải quân.
Hệ thống động cơ xoay của V-22 cho phép máy bay có thể dựng cánh quạt để cất hạ cánh thẳng đứng như trực thăng thông thường, hoặc chạy đà và tiếp đất như máy bay cánh bằng. V-22 Osprey có chiều dài 17,5 m, chiều rộng (cả cánh quạt) 25,8 m, khối lượng cất cánh tối đa 27,4 tấn, tầm hoạt động 1.600 km. Máy bay có thể chở 24 binh sĩ và 9 tấn hàng hóa, khí tài quân sự.
Vũ Anh (Theo Drive)
Để lại một phản hồi