Ngày 18/7, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản số 3844/UBND-KT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư giai đoạn 2 đối với Dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Tại văn bản số 3844, UBND tỉnh Tiến Giang kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận đầu tư sớm giai đoạn 2, Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo đúng quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tuyến cao tốc này được quy hoạch đầu tư 6 làn xe cao tốc và 2 làn dùng khẩn cấp trước năm 2030.
Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận không có làn dừng khẩn cấp đã gây rất nhiều bất tiện cho hoạt động sản xuất. |
UBND tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì làm việc với các Bộ, ngành; UBND TP.HCM, UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Tiền Giang để triển khai sớm Dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương giai đoạn 2 với mục tiêu hoàn thành trong năm 2025 để đảm bảo việc kết nối, khai thác đồng bộ với các dự án khác và phù hợp quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.
Hình thức đầu tư giai đoạn 2 cả 2 dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận là PPP, loại hợp đồng BOT hoặc hình thức đầu tư công.
Được biết, Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được Thường trực Chính phủ đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang năm 2019.
Sau khi nhận chuyển giao, UBND tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các nhà đầu tư, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận khẩn trương huy động tối đa các nguồn lực vật tư, thiết bị và khắc phục các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đến nay, Dự án đã hoàn thành theo đúng cam kết với Chính phủ và đúng theo quy mô giai đoạn 1 đã được Bộ GTVT phê duyệt.
Ngày 30/4/2022, Dự án đã được đưa vào khai thác để người dân lưu thông. Trong thời gian vừa qua, các bên xem xét phát hiện các vướng mắc, bất cập trên tuyến để kịp thời khắc phục, giúp các phương triện lưu thông an toàn trên tuyến.
Theo ghi nhận của các đơn vị chức năng, quy mô đầu tư Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 là chưa phù hợp với tốc độ gia tăng phương tiên, do được tính toán dựa trên lượng xe cách đây 10 năm. Đến nay không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, Dự án chưa bố trí làn dừng khẩn cấp khiến trong quá trình khai thác sử dụng các xe gặp sự cố không thể chạy tới điểm dừng, đồng thời phương tiện cứu nạn cứu hộ không kịp xử lý.
Do vậy, quy mô hiện tại của tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận đã tạo ra hiện tượng “nút thắt cổ chai” gây tắc nghẽn nghiêm trọng, không đảm bảo cho việc nhanh chóng lưu thông toàn tuyến.
Để lại một phản hồi