Kinh tế châu Á: Đô la Mỹ tăng giá còn đáng ngại hơn lạm phát

Tỷ giá hối đoái suy giảm, thanh khoản đồng đô la Mỹ cạn kiệt là những vấn đề lớn hơn đối với kinh tế châu Á. Ảnh: AFP
Tỷ giá hối đoái suy giảm, thanh khoản đồng đô la Mỹ cạn kiệt là những vấn đề lớn hơn đối với kinh tế châu Á. Ảnh: AFP

Phát biểu trên đài CNBC, ông Taimur Baig cho biết: “Chúng tôi không quá lo lắng về chính sách gây ra lạm phát, nhưng tỷ giá hối đoái suy giảm, thanh khoản đồng đô la Mỹ cạn kiệt là những vấn đề lớn hơn, và cả những vấn đề như cán cân thanh toán”, ông Baig nói.

Chuyên gia này dự đoán, nếu giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng trong năm tới, thì ngay cả một quốc gia như Ấn Độ – nơi tự cung ứng rất nhiều lương thực và xuất khẩu phần còn lại ra thế giới – sẽ bắt đầu gặp bất trắc về nguồn cung cấp lương thực cho năm 2023.

Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng DBS cũng cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu cộng với lạm phát có thể khiến mùa đông sắp tới trở nên ảm đạm.

“Rất khó nhận thấy tình hình khí đốt của châu Âu sẽ sớm được giải quyết như thế nào… trong khi Trung Quốc vẫn chưa thoát ra khỏi… chính sách zero-Covid. [Khủng hoảng năng lượng] không chỉ là một vấn đề liên quan đến việc giữ ấm cho ngôi nhà, nó còn là một yếu tố rất quan trọng trong việc xác định triển vọng lạm phát lương thực trong năm tới”, ông Baig nói.

“Vấn đề tưởng chừng chỉ ở châu Âu, nhưng điều đó ảnh hưởng đến giá năng lượng trên toàn thế giới”, ông Baig lưu ý, đồng thời cho rằng lạm phát từ phía nguồn cung rất có thể sẽ tiếp tục tăng cao cho đến hết năm 2023, gây ra “những tác động bất lợi” đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, chuyên gia kinh tế của DBS cho rằng, các nước châu Á vẫn còn “dư địa và nhu cầu” để hỗ trợ nền kinh tế của họ thông qua các chính sách tài khóa.

“Về chính sách tiền tệ, rất tiếc là lúc này không còn quãng nghỉ. Họ phải tăng lãi suất để kìm hãm nền kinh tế để giữ tài khoản vãng lai ở mức bền vững”, ông Baig nói thêm.

“Do đó, đây là lý do tại sao tôi nghĩ ngay cả một quốc gia như Ấn Độ, vốn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư, vẫn phải đối mặt với những ‘cơn gió ngược’ lớn khi bước vào năm 2023. Và tất nhiên, ‘cơn gió ngược’ lớn khác ở châu Á cũng xuất hiện ở Trung Quốc, vì những lý do đặc trưng của riêng họ”, đại diện DBS nhận định.

Trong khi đó, ông Richard Martin, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường IMA Asia (Singapore) cho rằng đồng đô la Mỹ đang tiến đến đỉnh điểm.

Ông Martin dự đoán rằng ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục tăng lãi suất để ứng phó với chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ. “Và… khi họ thu hẹp khoảng cách lợi tức đó, nhu cầu đối với tài sản bằng đô la Mỹ bắt đầu giảm trở lại”, đại diện IMA Asia nhận định.

Ông Martin cho biết đồng tiền của một số thị trường mới nổi ở châu Á đã giảm từ 6 – 8% trong năm qua. Chuyên gia này không kỳ vọng các đồng tiền này sẽ tiếp tục trượt giá, mà dự đoán chúng sẽ bắt đầu phục hồi trở lại mức thường thấy vào đầu năm tới.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*