Lạm phát kéo theo lãi suất tăng
SSI Research đánh giá, lạm phát trong quý 2/2022 đã bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc, khi chỉ số CPI đạt 3,37% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6, từ mức 2,86% trong tháng 5 với xu hướng tăng được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành. Do đó, lạm phát cơ bản cũng tăng lên 2% so với cùng kỳ (so với tháng 5: 1,6%) – mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2020.
Điểm tích cực là lạm phát bình quân trong 6 tháng đầu năm được kiểm soát chặt chẽ ở mức 2,44%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 4% của Chính phủ. “Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng rõ ràng hơn, và mặc dù mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát (ước tính 3,5%), lạm phát tại thời điểm cuối tháng 12 có thể bật lên mức 5% so với cùng kỳ. Điều này cũng khiến mức lạm phát bình quân, đặc biệt ở nửa đầu năm 2023 có thể đẩy lên mức cao trên 4%”, nhóm nghiên cứu SSI Research cảnh báo.
Trong báo cáo mới đây, KB Securities đánh giá mặt bằng lãi suất huy động đã chạm đáy nên nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh, cùng đó là nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mức Tăng nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ 0.5-1%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3.8%.
Chuyển hướng đầu tư lâu dài và lựa chọn sản phẩm an toàn
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh thì về tổng thể, thị trường bất động sản chịu tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Bởi vì khi lạm phát tăng thì buộc các nước phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất.
“Hiện nay, có tới 80 nước trên thế giới đã và đang tăng lãi suất. Và khi mặt bằng lãi suất tăng thì nghĩa vụ trả nợ tăng theo, tỷ giá cũng tăng theo, đồng tiền nội tệ của các nước mất giá,… Do đó, những người đi vay ngoại tệ sẽ bị thiệt hai lần, một là lãi suất tăng, hai là tỷ giá tăng.
Ngoài ra, khi lãi suất tăng thì đầu tư, tiêu dùng giảm và kinh tế sẽ giảm đà phục hồi. Hiện nay cũng có không ít lo ngại nền kinh tế bị suy thoái. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, sẽ không xảy ra suy thoái toàn cầu mà sẽ suy thoái cục bộ ở một vài quốc gia nếu như họ ứng xử không tốt.
Bên cạnh đó, khi lạm phát tăng, giá cả mọi mặt hàng cũng tăng theo khiến tâm lý phòng thủ xuất hiện. Người dân sẽ bớt ăn tiêu, thậm chí là từ bỏ ý định đầu tư.
“Tuy nhiên, điểm tích cực là giá bất động sản đang trở về giá trị thực và đây là cơ hội của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính. Bất động sản cũng là một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh có nhiều rủi ro để chờ thời. Lúc này là lúc thuận lợi hơn cho những người đầu tư dài hạn, không có chuyện dễ dàng lướt sóng kiếm lời trong giai đoạn này”, ông Lực nhận định.
Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên thường vụ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), khuyến nghị rằng, các nhà đầu tư đừng xác định kiếm lời ngay khi mua đầu tư, bởi khả năng này là rất ít.
“Các bất động sản có tiềm năng tăng giá tốt mà giá bán thấp là rất khan hiếm, đa phần đầu tư bất động sản là cơ hội, phải xác định được chu kỳ và tọa độ tăng giá. Có những sản phẩm giá bán rất cao, nhưng nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào là bởi họ kỳ vọng tiềm năng tăng giá tiếp tục; nhưng có những dự án giá rẻ, giới đầu tư lại cẩn trọng mua vào hoặc không mua vì lo ngại rủi ro”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn Anh, cơ hội đầu tư bất động sản ở Việt Nam rất đa dạng về mức vốn và phân khúc. Có những bất động sản đòi hỏi mức đầu tư lên tới vài chục tỷ đồng, nhưng có những phân khúc, chẳng hạn như đất nền ở các tỉnh chỉ vài trăm triệu đồng là có thể đầu tư được. Vấn đề là nhà đầu tư phải lựa chọn được bất động sản cho phù hợp túi tiền và kiểm soát được rủi ro.
“Thực tế, khi thị trường đang sốt gần như mọi sản phẩm đều đem ra giao dịch; thậm chí cả đất vườn, đất trồng cây, đất rừng… mua bán viết tay. Vì thế, sẽ rất rủi ro khi thị trường xấu, những sản phẩm không có tính pháp lý cao sẽ mất giá nhanh, không có tính thanh khoản. Do đó, theo các chuyên gia, đầu tư giai đoạn này thì an toàn phải đặt lên hàng đầu, đầu tư phải lựa chọn sản phẩm an toàn pháp lý. Trong trường hợp thị trường có xấu thì bất động sản đảm bảo yếu tố pháp lý vẫn có thể bán được, dù bán lỗ nhưng vẫn thanh khoản được”, ông Tuấn Anh nói.
Cùng với đó, vị trí bất động sản có hạ tầng xã hội tốt thì tính thanh khoản cao hơn, khi không bán được cho người đầu tư thì có thể bán cho người mua tiêu dùng thật. Với những sản phẩm đầu tư ở khu vực xa xôi, hay ở địa phương không có tiềm năng thì nên tránh.
Tuấn Minh
Nhịp sống kinh tế
Để lại một phản hồi