Long Châu, An Khang, Pharmacity mở rộng thần tốc giúp một ngành tăng trưởng 13% nửa cuối năm 2022, đạt đỉnh vào năm 2023

Bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán SSI vừa đưa đưa ra những nhận định tích cực về ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam. SSI Research cho biết đây là ngành chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành ít bị ảnh hưởng nhất trước sự gia tăng của chi phí, giá năng lượng và giá hàng hóa. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời kỳ suy thoái kinh tế, đặc biệt năm 2020 và 2021 đã tạo mức nền so sánh thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ra các yếu tố khác như gói kích thích đầu tư công, các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp hoặc chi phí vay tăng lên không liên quan và không tác động đáng kể đối với ngành này.

Công ty chứng khoán này nhận định biên lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ đạt mức đỉnh vào năm 2023 khi giá thuốc, viện phí tăng lên trong khi chi phí đầu vào tăng với tốc độ chậm hơn nhiều. Sau khi đạt đỉnh, tỷ suất lợi nhuận của ngành được dự báo có thể duy trì khá ổn định trong giai đoạn sau do sẽ không có biến động đáng kể nào xảy ra. Định giá của ngành chăm sóc sức khoẻ cũng sẽ khả quan nhờ sự hỗ trợ của lợi nhuận tăng trưởng tốt và cơ cấu cổ đông hợp lý trong các công ty chăm sóc sức khỏe.

6 tháng cuối năm dự báo tăng trưởng 13%

Ngành chăm sóc sức khỏe (bao gồm các công ty dược và bệnh viện tư nhân niêm yết) sau 6 tháng đầu năm thuận lợi, dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2022. SSI Research ước tính tăng 13% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ bởi 3 yếu tố lớn.

Thứ nhất, mức nền so sánh về lợi nhuận thấp của năm ngoái do ảnh hưởng của giãn cách xã hội trên toàn quốc tới lượt thăm khám tại bệnh viện cũng như lượt khách tại các cửa hàng thuốc.

Thứ hai, thiếu hụt nguồn cung thuốc do quy trình đăng ký thuốc hiện bị siết chặt, các công ty tận dụng tình hình này để điều chỉnh giá thuốc bù lại chi phí tăng và cải thiện lợi nhuận sản phẩm.

Thứ ba, nhu cầu chăm sóc sức khỏe chuyển dịch nhanh hơn từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, dưới áp lực lương thấp, rủi ro sức khỏe và rủi ro pháp lý cao, và cơ sở vật chất yếu kém trong khu vực công.

Như vậy, động lực tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm của ngành này khá giống với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, nhưng mức nền so sánh thấp hơn. Do đó, mức tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ cao hơn tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022.

Ngành hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế suy thoái

Triển vọng lợi nhuận tích cực của ngành chăm sóc sức khoẻ còn được dự báo kéo dài sang năm 2023 với ước tính 11% so với cùng kỳ. Đây được xem là mức tăng trưởng hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho ngành này theo đánh giá của SSI Research là việc mở rộng nhanh chóng chuỗi cửa hàng bán lẻ thuốc tại Việt Nam như Long Châu, An Khang và Pharmacity để kích cầu thuốc.

Ngoài ra, viện phí có khả năng tăng đáng kể trên toàn quốc, do Chính phủ có thể điều chỉnh tăng viện phí và lệ phí bệnh viện công để tạo điều kiện cho các bệnh viện công duy trì hoạt động và giữ chân bác sĩ.

Không những vậy, môi trường cạnh tranh trở nên thuận lợi hơn cho các bệnh viện tư nhân và các công ty dược phẩm, khi các quy định được thắt chặt hơn, giá cả được định hướng thị trường hơn với sự ưu tiên dành cho các công ty sản xuất thuốc và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Với mức tăng trưởng kỳ vọng trên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe có thể vượt qua mức trước Covid vào năm 2023.

(Thứ 7) Long Châu, An Khang, Pharmacity tăng tốc mở rộng chuỗi đang hỗ trợ tích cực cho một ngành tăng trưởng 13% nửa cuối năm 2022, đạt đỉnh biên lợi nhuận vào năm 2023 - Ảnh 1.

Số liệu thống kê của Bộ y tế cho biết trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng chi tiêu y tế trên đầu người của Việt Nam đang tăng lên đáng kể, với mức bình quân khoảng 11%/năm. Trong một báo cáo hồi đầu năm, chứng khoán SSI lý giải điều này được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính. Thứ nhất, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh, kèm theo các vấn đề sức khỏe gia tăng do tác động của ô nhiễm môi trường. Thứ hai, thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng cao và nhận thức tốt hơn của người dân về các vấn đề sức khỏe. Thứ ba, nguồn tài chính dồi dào hơn cho ngành y tế & cơ sở hạ tầng y tế được cải thiện.

3 nguy cơ lớn thách thức ngành y tế TP.HCM: Dịch chồng dịch, thiếu thuốc và nhân lực y tế công lập

https://babfx.com/long-chau-an-khang-pharmacity-mo-rong-than-toc-giup-mot-nganh-tang-truong-13-nua-cuoi-nam-2022-dat-dinh-vao-nam-2023-20220715153829061.chn

Mộc An

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*