Mỹ – Indonesia tổ chức ‘siêu diễn tập’ lớn chưa từng có

Đợt diễn tập Siêu Lá chắn Garuda khai mạc hôm nay với sự tham gia của ít nhất 4.000 lính Mỹ và Indonesia, nhằm thúc đẩy “hợp tác khu vực hỗ trợ Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở”.

Mỹ và Indonesia mời lực lượng từ các nước đối tác Australia, Nhật Bản và Singapore tham gia diễn tập. Các hoạt động quân sự trong khuôn khổ Siêu Lá chắn Garuda sẽ diễn ra trên đảo Sumatra và Riau, miền tây Indonesia, từ ngày 1 đến 14/8.

“Đây là hoạt động nhằm xây dựng lòng tin và hiểu biết chung, cũng như cải thiện năng lực tác chiến và những vấn đề liên quan. Nó không phải mối đe dọa nhằm vào bất kỳ bên nào”, tướng Stephen Smith, chỉ huy lực lượng Mỹ trong cuộc diễn tập, cho hay và thêm rằng sự kiện năm nay có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Lính Indonesia (trái) và quân nhân Mỹ chuẩn bị cho diễn tập Super Garuda Shield hôm 30/7. Ảnh: US Army,.

Binh sĩ Indonesia (trái) và quân nhân Mỹ chuẩn bị cho diễn tập Siêu Lá chắn Garuda hôm 30/7. Ảnh: US Army.

Giới chức Indonesia không cho biết nội dung diễn tập cụ thể, nhưng tiết lộ nó sẽ bao gồm các hoạt động tác chiến không quân, hải quân, lục quân và thủy quân lục chiến. Đại diện quân đội các nước Canada, Pháp, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Papua New Guinea, Đông Timor và Anh cũng tham gia với tư cách quan sát viên.

Đây là hoạt động diễn tập thường niên giữa Mỹ và Indonesia, được tổ chức lần đầu vào năm 2007 với tên gọi Lá chắn Garuda, nhằm nâng cao năng lực tác chiến rừng rậm của quân đội hai nước.

Cuộc diễn tập được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng gần đây, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có thể thăm đảo Đài Loan vào đầu tháng 8. Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đến hòn đảo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/7 điện đàm hơn hai giờ, trong đó Bắc Kinh cảnh báo Washington không nên “đùa với lửa” trong vấn đề Đài Loan.

Quân đội Mỹ trong khi đó được cho là đang có kế hoạch tăng cường di chuyển lực lượng và khí tài ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận của hai nước có thể dễ dàng dẫn đến nguy cơ xung đột.

Vũ Anh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*