Mỹ khó cô lập Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp gỡ nhiều lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, quốc gia thành viên NATO. Nhà ngoại giao hàng đầu của ông, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, cũng đã tới nhiều nước trên thế giới, bắt tay, chụp ảnh hoặc đối thoại với nhiều lãnh đạo nước ngoài, gồm cả các đối tác Mỹ.

Ngày 29/7, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói chuyện với người đồng cấp Nga Lavrov về khả năng trao đổi tù nhân Mỹ và cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Blinken không nói chi tiết về cuộc điện đàm với ông Lavrov, nhưng cho biết ông đã thúc giục Nga chấp nhận đề xuất của Mỹ về việc thả hai người Mỹ bị giam gồm Paul Whelan và Brittany Griner. Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov kiên quyết đề nghị ông Blinken “quay trở lại kiểu đối thoại chuyên nghiệp theo phương thức ngoại giao thầm lặng” cho bất kỳ nỗ lực nào để trả tự do cho những người Mỹ bị giam.

Cuộc điện đàm và những cái bắt tay làm dấy lên hoài nghi về một phần cốt lõi trong chiến lược của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột Ukraine: cô lập ngoại giao và kinh tế, cùng với những thất bại trên chiến trường, cuối cùng sẽ buộc Nga phải rút quân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Tehran, Iran hôm 19/7. Ảnh: AP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Tehran, Iran hôm 19/7. Ảnh: AP.

Ngay cả khi công bố kế hoạch về cuộc điện đàm hai ngày trước đó, ông Blinken vẫn tiếp tục khẳng định Nga thực sự bị cô lập. Ông lập luận rằng các chuyến công du của quan chức hàng đầu Nga chỉ là nhằm kiểm soát thiệt hại và phản ứng trước những lời chỉ trích quốc tế mà Moskva phải đối mặt vì xung đột Ukraine.

Quan chức Mỹ nói Nga đang cố gắng củng cố những liên minh còn lại của họ, chủ yếu là những đối thủ của Mỹ như Iran. Nhưng các quốc gia đối tác của Mỹ như Ai Cập và Uganda cũng đang nồng nhiệt chào đón quan chức hàng đầu Nga.

Sau khi tuyên bố hồi tháng 2 rằng không có lý do gì để nói chuyện với Nga vì Moskva không nghiêm túc về ngoại giao và không thể tin tưởng, Mỹ thừa nhận họ vẫn cần phải đối thoại với Moskva. Việc ông Blinken công khai đối thoại với ông Lavrov và đưa ra “đề xuất quan trọng” để Nga để thả Whelan và Griner đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Cuộc điện đàm giữa ông Blinken và ông Lavrov là lần tiếp xúc cấp cao nhất của Mỹ và Nga kể từ ngày 15/2, trước khi Moskva phát động chiến dịch ở Ukraine. Giới quan sát nhận định nó có thể tạo tiền đề cho các cuộc gặp trực tiếp trong tương lai, dù giới chức chính quyền nói chưa có kế hoạch cho điều đó.

Điện Kremlin dường như thích thú với thực tế rằng Mỹ đang tìm kiếm kết nối và có thể sẽ trì hoãn quá trình sắp xếp đàm phán để đạt được lợi thế tối đa.

“Họ sẽ tìm cách công khai điều này và khiến chúng tôi bẽ mặt nhiều nhất có thể”, Ian Kelly, từng là đại sứ Mỹ ở Gruzia dưới thời chính quyền Barack Obama và Donald Trump, nói.

Kelly cho rằng cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Blinken “phản tác dụng với nỗ lực lớn hơn của chúng tôi nhằm cô lập Nga”. “Các quốc gia khác sẽ nhìn vào đó và nói ‘tại sao chúng ta không bắt tay với Lavrov và cả nước Nga'”, ông nói.

Quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng Nga đã bị chỉ trích nặng nề vì chiến dịch Ukraine và tình trạng thiếu lương thực toàn cầu do hệ quả xung đột. Các thành viên trong chính quyền ông Biden, gồm cả Ngoại trưởng Blinken, lưu ý rằng ông Lavrov gần đây đã rời cuộc họp ngoại trưởng G20 tại Indonesia sau khi nghe ý kiến từ các đối tác về tác động toàn cầu của cuộc chiến.

Bất chấp những điều đó, giới quan sát nhận thấy không có dấu hiệu nào chỉ ra Nga sẽ bị loại khỏi các sự kiện quốc tế lớn như Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 hoặc ba hội nghị thượng đỉnh khu vực châu Á dự kiến vào tháng 11.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit ở Cairo, Ai Cập hôm 24/7. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit ở Cairo, Ai Cập hôm 24/7. Ảnh: AP.

Nga tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước đang phát triển khắp châu Á và châu Phi.

Ấn Độ đã không quay lưng với Nga dù là thành viên của nhóm Bộ Tứ cùng với Mỹ, Australia và Nhật Bản. Với mối quan hệ chặt chẽ lâu dài với Nga, Ấn Độ đã đẩy mạnh nhập khẩu năng lượng từ Moskva bất chấp áp lực từ Mỹ và châu Âu, các khu vực đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Nga.

Ấn Độ đã nhập gần 60 triệu thùng dầu của Nga từ đầu năm đến nay, so với 12 triệu thùng trong cả năm 2021, theo công ty dữ liệu Kpler.

Bộ Ngoại giao Nga đã phản bác những tuyên bố “Nga bị cô lập” bằng cách đăng Twitter hình ảnh ông Lavrov ở nhiều thủ đô khác nhau trên thế giới. Một bức ảnh chụp Ngoại trưởng Nga ở hội nghị G20 tại Bali với các ngoại trưởng Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Ông cũng gặp Tổng thống Yoweri Museveni tại Uganda và Tổng thống Abdel-Fattah el-Sisi tại Ai Cập, những quốc gia đã nhận hàng tỷ USD viện trợ Mỹ.

Trong một cuộc họp chính phủ đầu tuần trước, Tổng thống Putin cho biết Nga đang đối mặt nhiều trở ngại, nhưng khẳng định Moskav sẽ không thể bị cô lập với phần còn lại của thế giới.

“Rõ ràng chúng ta không thể phát triển khi bị cô lập với thế giới. Trong thế giới ngày nay, chuyện ra một sắc lệnh và dựng lên hàng rào khổng lồ để cô lập ai đó đơn giản là không thể”, ông nói.

Thanh Tâm (Theo AP, NDTV)

  • Ukraine ‘ngồi trên đống lửa’ với thỏa thuận ngũ cốc
  • Châu Âu lộ điểm yếu trước đòn khí đốt của Nga
  • Nỗi lo của Mỹ khi chuyển pháo HIMARS cho Ukraine
  • Chuyến công du tìm kiếm đồng minh của ông Putin
  • Nga – Trung siết chặt tay trước áp lực phương Tây

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*