“Nếu chúng ta so sánh bản án của họ với các trường hợp tử hình khác, họ đã phạm tội mà đáng lẽ phải bị kết án tử hình nhiều lần”, Zaw Min Tun, phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar, cho biết tại cuộc họp báo ở thủ đô Naypyidaw hôm nay.
Bình luận được đưa ra sau khi chính quyền quân sự Myanmar hôm 25/7 thông báo đã thi hành án tử hình với 4 phạm nhân “theo quy trình của nhà tù”, nhưng không nêu rõ thời gian và phương thức thực hiện.
Ông Zaw Min Tun nói rằng án tử hình được tòa án đưa ra sau khi các bị cáo “được quyền tự bào chữa theo thủ tục tố tụng”. “Họ đã làm hại nhiều người vô tội. Có nhiều thiệt hại lớn không gì có thể thay thế được”, người phát ngôn nói.
Theo ông, các tử tù đã được gặp gia đình thông qua hình thức trực tuyến trước khi thi hành án, nhưng không cung cấp chi tiết. Chính quyền trước đó bác bỏ những chỉ trích từ Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây về án tử hình, gọi đó là những bình luận “vô trách nhiệm và thiếu thận trọng”.
4 tù nhân bị xử tử lần này gồm có Phyo Zeya Thaw, 41 tuổi, cựu nghị sĩ thuộc đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động Kyaw Min Yu, 53 tuổi, cùng hai người khác là Hla Myo Aung và Aung Thura Zaw. Họ bị kết án trong phiên xử kín hồi tháng 1, với cáo buộc hỗ trợ các cuộc “tấn công khủng bố” nhằm vào lực lượng của chính quyền quân sự Myanmar.
Phyo Zeya Thaw và Kyaw Min Yu bị kết án tử hình theo luật chống khủng bố. Hai người còn lại lĩnh án tử hình vì sát hại một phụ nữ được cho là người cung cấp thông tin cho chính quyền quân sự.
Đây là vụ xử tử đầu tiên được thi hành ở Myanmar kể từ cuối thập niên 1980, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar (AAPP), làm dấy lên lo ngại rằng sẽ có thêm các án tử hình được thi hành.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phản đối phán quyết của chính quyền quân sự Myanmar, gọi đây là hành động vi phạm “quyền được sống, tự do và an ninh của con người”.
Zaw Min Tun hồi tháng 6 nói nhiều quốc gia vẫn áp dụng án tử hình. “Ít nhất 50 dân thường vô tội, không bao gồm lực lượng an ninh, đã thiệt mạng vì họ. Sao có thể nói bản án này không phải là công lý?”, Zaw Min Tun nói.
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội nước này bắt bà Suu Kyi và tiếp quản quyền lực hồi tháng 2/2021. Các cuộc biểu tình phản đối nổ ra tại nhiều thành phố của Myanmar và bùng phát thành bạo động, buộc lực lượng an ninh sử dụng vũ lực để đẩy lùi. Một số người biểu tình đang dựa vào các nhóm nổi dậy để chống lại quân đội chính phủ Myanmar.
Bà Suu Kyi hồi tháng 12/2021 từng bị tuyên 4 năm tù vì kích động bất đồng chính kiến chống quân đội và vi phạm quy định phòng Covid-19 trong lúc vận động tranh cử. Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, sau đó ra lệnh ân xá một phần, giảm bản án của bà Suu Kyi xuống còn hai năm.
Ông Zaw Min Tun hôm 10/1 xác nhận bà Suu Kyi bị kết án thêm 4 năm tù vì ba tội hình sự, gồm nhập khẩu và sở hữu bộ đàm bất hợp pháp, cùng một tội vi phạm quy tắc phòng dịch Covid-19.
Huyền Lê (Theo AFP)
Để lại một phản hồi