Tiến độ thi công tại nhiều gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông bị chậm lại do giá nguyên vật liệu tăng vọt |
Sức ép “ngạt thở”
Các nhà thầu Gói thầu số 11-XL, Dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là những đơn vị thi công mới nhất gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) xem xét tháo gỡ khó khăn do “bão giá” nhiên, vật liệu.
Cần phải nói thêm rằng, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng 319 (Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng); Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi – những nhà thầu thi công Gói thầu số 11-XL – chắc là đang ở thế đường cùng mới buộc phải muối mặt xin phao cứu trợ từ chủ đầu tư, bởi đây đều là những đơn vị có thực lực và kinh nghiệm trong triển khai xây dựng đường cao tốc.
Được biết, Dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 là một trong 4 dự án thành phần sử dụng 100% vốn đầu tư công thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 phải hoàn thành, đưa vào khai thác vào ngày 31/12/2022. Đây cũng là phân đoạn có tiến độ thi công tốt nhất trong số 11 dự án thành phần Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó, Gói thầu số 11-XL hiện đạt giá trị sản lượng khoảng 65% giá trị hợp đồng, đứng thứ hai về khối lượng thực hiện tại Dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45.
Tuy nhiên, trong ít tháng gần đây, tiến độ thi công tại một số gói thầu xây lắp tại Dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 có dấu hiệu chững lại do các đơn vị thi công gặp khó khăn về dòng tiền do giá các loại đầu vào tăng đột biến.
Ông Đoàn Kiên Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cường Thịnh Thi phản ánh, ngay khi vừa thoát khỏi các đợt giãn cách xã hội do Covid-19, nhà thầu lập tức dính ngay đợt “bão giá”, với các loại vật liệu chủ chốt như thép, xi măng, xăng, dầu diezel… tăng đột biến.
Nếu như tại thời điểm ký hợp đồng (tháng 9/2020), giá dầu diezel chỉ là 11.482 đồng/lít (đây cũng là giá cơ sở xây dựng dự toán gói thầu của chủ đầu tư), thì đến tháng 3/2022, giá dầu đã vọt lên mốc 24.000 đồng/lít. Đến ngày 30/6/2022, giá dầu đã lập đỉnh mới, với mức 33.000 đồng/lít, tăng gần gấp ba giá trúng thầu.
Khó khăn chồng khó khăn khi đúng vào thời kỳ cao điểm biến động giá nhiên, vật liệu, thì cũng là lúc các đơn vị thi công Dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 phải dồn lực để thi công hoàn thiện mặt đường, trong đó có Cường Thịnh Thi, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng 319.
Đối với nghề làm đường, hạng mục kết cấu mặt đường có giá trị lớn nhất, bằng tất cả các công đoạn khác cộng lại, trong đó nhựa đường – loại vật liệu gốc dầu chiếm tỷ trọng lớn nhất hiện vẫn đang “nóng chảy” theo cấp độ giao tranh ác liệt của cuộc xung đột Nga – Ukraine.
“Chi phí huy động để mua vật tư lớn cộng thêm sức ép về giá cả và sự khan hiếm nguồn vật liệu, nhân công khiến nhà thầu hụt hơi do càng làm càng lỗ. Chỉ tính riêng hạng mục thi công mặt đường có giá trị khoảng 99 tỷ đồng, Cường Thịnh Thi đã phải bù lỗ 50 tỷ đồng”, ông Đoàn Kiên Trung cho biết. Không chỉ riêng Gói thầu 11-XL, toàn bộ các nhà thầu thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phải hoàn thành vào cuối tháng 12/2022, càng đến ngày thảm bê tông nhựa, thì trên gương mặt các giám đốc điều hành hay chủ doanh nghiệp càng hằn thêm nhiều những vết nhăn lo lắng. Với sự chênh lệch quá lớn giữa đơn giá trúng thầu và giá thực tế hiện nay, các trạm bê tông nhựa nóng hiện giờ không khác gì những cỗ máy đốt tiền không thương xót của các đơn vị thi công.
Do biến động giá quá lớn ở tất cả các vật liệu đầu vào, một số nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam khẳng định, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng thường không đủ để mua vật tư, vật liệu (bao gồm hệ số nở rời, hao hụt) ở chu kỳ thi công tiếp theo.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà cung cấp, chủ mỏ đều đang yêu cầu cơ chế thanh toán 100% trước khi nhận hàng, như đá các loại, thép, bê tông, nhiên liệu diezel, nhựa đường; hoặc chốt khối lượng cung cấp thanh toán sớm. Trong khi đó, việc thi công trên công trường tuân thủ theo Quy trình thi công, nghiệm thu, thanh toán của dự án, chu kỳ kể từ khi tập kết vật tư, vật liệu để thi công cho đến khi được nghiệm thu, thanh toán và nhận được tiền từ chủ đầu tư ít nhất 2 – 3 tháng.
Theo một số nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong suốt một năm qua, họ đã rất cố gắng để xoay xở dòng tiền, dồn mọi nguồn lực cho công trình đường cao tốc Bắc – Nam, nhưng sự mất cân đối dòng tiền lũy kế trong hơn một năm qua là quá lớn và đã vượt hạn mức vay của ngân hàng, khiến họ không thể tiếp tục duy trì nguồn vốn vay bù đắp thiếu hụt dòng tiền.
“Việc xoay xở nguồn tiền để mua vật liệu theo tiến độ của chủ đầu tư đang là nỗi ám ảnh của lãnh đạo nhà thầu. Trúng thầu càng nhiều thì nguy cơ vỡ trận càng lớn. Có những gói thầu xây lắp, thầu phụ bỏ công trường cả loạt dù bị chủ đầu tư đe sẽ cấm tham gia đấu thầu”, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT cho biết.
Phao cứu sinh xì hơi
Khó khăn đối với các đơn vị thi công cao tốc Bắc – Nam càng chồng chất khi điều khoản cho phép điều chỉnh giá hợp đồng – vốn là phao cứu sinh của nhà thầu – nay bị xì hơi, không còn nhiều tác dụng nâng đỡ do không theo kịp tốc độ tăng giá đột biến cũng như những hạn chế, bất cập trong công thức điều chỉnh giá.
Theo hợp đồng mà tất cả các nhà thầu ký với với các ban quản lý dự án, việc điều chỉnh giá được áp dụng theo phương pháp hệ số với công thức bù giá được tính theo 7 yếu tố điều chỉnh, gồm nhân công, máy thi công, nhựa đường, thép, đá các loại, cát, xi măng. Nguồn sử dụng là chỉ số giá địa phương nơi dự án đi qua, với chỉ số giá gốc trước thời điểm đóng thầu 28 ngày.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ, dù đã nhận được chỉ đạo sát sạt của lãnh đạo Chính phủ, nhưng việc công bố chỉ số giá của các địa phương trong thời gian qua chưa kịp thời, chưa sát với thực tế giá thị trường, chưa có chỉ số giá phù hợp với đặc tính của đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ, nên gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công, thậm chí nhiều nhà thầu thua lỗ.
Bên cạnh đó, trong công thức điều chỉnh giá của hợp đồng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng chỉ điều chỉnh cho 7 yếu tố thay đổi, nên vật liệu đất đắp được coi là cố định, không điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, với khối lượng đất đắp rất lớn (thường vài triệu m3 đất đắp cho 1 gói thầu), giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng lớn trong giá hợp đồng, từ 15 đến 25%, nên hệ số a cố định trong công thức điều chỉnh giá thường khá lớn (hầu hết khoảng 0,4, cá biệt có gói thầu trên 0,5). Bối cảnh nguồn cung khan hiếm, kết hợp hiện tượng đầu cơ tăng giá của các chủ mỏ đất đã càng làm tăng thua lỗ cho nhà thầu mà không được điều chỉnh giá.
Theo đại diện một số đơn vị thi công, hầu hết các địa phương nơi triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 chưa có dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc nào trong thời gian gần đây. Vì vậy, các công bố giá và chỉ số giá do địa phương công bố chỉ phù hợp cho các công trình đường bộ cấp thấp hơn có quy mô nhỏ, thời gian hoàn thành dài hơn với cơ cấu và tỷ trọng chi phí khác công trình đường bộ cao tốc.
Nếu tính theo nguồn chỉ số giá các địa phương: đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam (các dự án thành phần đầu tư công), thì hệ số bù giá bình quân các gói thầu kể từ thời điểm khởi công đến quý II/2022 chỉ khoảng 1,018 – 1,08 (tương ứng tăng từ 1,8% – 8%, bao gồm toàn bộ 7 yếu tố điều chỉnh theo công thức điều chỉnh giá của hợp đồng).
Đối với các dự án cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), tình hình còn khó khăn hơn khi chỉ số trượt giá đã được tính toán trong tổng mức đầu tư bị chốt cứng ở mức 3,05%, ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án. Trong khi đó, hợp đồng thực hiện dự án (hợp đồng BOT) giữa nhà đầu tư với Bộ GTVT chưa có nội dung điều chỉnh giá khi chỉ số trượt giá các loại vật liệu vượt quá chỉ số trượt giá đã tính toán trong tổng mức đầu tư Dự án.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã liên tục báo cáo và đề xuất, kiến nghị để Chính phủ xem xét giải quyết các bất cập trong công tác điều chỉnh giá hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà thầu. Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Cục Kinh tế – Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã trả lời Bộ GTVT tại Văn bản số 2230/BXDKTXD ngày 22/6/2022. Tuy nhiên, các nhà thầu nhận thấy, trong văn bản phản hồi của Cục Kinh tế – Xây dựng chưa đưa ra bất kỳ giải pháp nào tháo gỡ các khó khăn, tồn tại về điều chỉnh giá hợp đồng vốn đang là vấn đề nóng nhất tại các dự án cao tốc Bắc – Nam hiện nay.
“Thực tế, trong khoảng 3 – 4 tuần vừa qua, tại nhiều dự án thành phần, các nhà thầu đã không thể duy trì được tiến độ, cường độ công việc cao như trong giai đoạn trước đây. Công trường thiếu nguyên, vật liệu, nhiên liệu, thiết bị thi công; con người ‘không có việc làm, nằm chơi’, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà thầu, lãng phí nguồn lực xã hội và càng thúc đẩy quá trình phá sản của nhà thầu diễn ra nhanh hơn”, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng lo lắng.
Để lại một phản hồi