Ông Putin chờ phương Tây kiệt quệ ở chiến trường Ukraine

Khi xung đột Ukraine kéo dài sang tháng thứ 5, các lãnh đạo phương Tây dần nhận ra hai ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thứ nhất, chiến dịch của Nga sẽ không kết thúc sớm. Thứ hai, tương lai quan hệ giữa phương Tây với Moskva sẽ không có gì ngoài sự ngờ vực và thù địch lẫn nhau.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định cuộc chiến có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Avril Haines, giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, cũng cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một “cuộc chiến kéo dài” ở Ukraine.

Dù vậy, giới quan sát không loại trừ khả năng phương Tây dần mệt mỏi với chiến dịch quân sự của Nga và giảm hỗ trợ Ukraine, khi các quốc gia này chật vật đối phó với những khó khăn ngày càng lớn trong nước.

Triển vọng về giải pháp ngoại giao cho xung đột trở nên mờ mịt, khi Tổng thống Putin dường như không cần đến chúng. Điện Kremlin không có ý định chấm dứt cuộc chiến, trong khi đà tiến của Nga ở miền đông Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự cuộc họp của Ủy ban giám sát Nga ở Moskva hôm 20/4. Ảnh: AFP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự cuộc họp của Ủy ban giám sát Nga ở Moskva hôm 20/4. Ảnh: AFP.

Sau thất bại trong giai đoạn đầu chiến dịch ở miền bắc Ukraine, lực lượng Nga đã áp dụng chiến thuật mới: tận dụng hỏa lực pháo binh áp đảo ở các mục tiêu nhỏ hơn, cho phép quân đội của họ “tiến chậm mà chắc”.

Chiến thuật này phù hợp với tính toán của ông Putin, ít nhất là vào thời điểm này. Ông không có động cơ để ngồi vào bàn đàm phán, bởi hành lang trên bộ ở miền đông và nam Ukraine mà Nga kiểm soát không thể được coi là một chiến thắng lớn.

Matthew Sussex, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết tính toán quân sự của ông Putin rất đơn giản: tiếp tục kiểm soát thêm lãnh thổ và phá hủy cơ sở hạ tầng, đè bẹp sức kháng cự của Ukraine.

Với chiến thuật đó, lãnh đạo Nga chỉ đơn giản là đang chờ đợi phương Tây nản lòng. Trong các cuộc chiến ở Chechnya, Gruzia và nỗ lực sáp nhập bán đảo Crimea, ông chủ Điện Kremlin từng dự đoán chính xác rằng phương Tây khó chấp nhận một cuộc đối đầu kéo dài và sẽ phải giảm leo thang.

Tổng thống Putin “tin rằng phương Tây sẽ trở nên kiệt quệ”, một tỷ phú Nga giấu tên từng chia sẻ với Washington Post. Tỷ phú này thừa nhận ông Putin không ngờ phương Tây đã có những phản ứng ban đầu mạnh mẽ với chiến dịch quân sự ở Ukraine, “nhưng giờ ông đang tìm cách xoay chuyển tình hình và tin rằng về lâu dài Nga sẽ giành chiến thắng”.

Lãnh đạo Nga cũng tin rằng các biện pháp trừng phạt mà phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), áp đặt với Nga sẽ phản tác dụng, dẫn tới chi phí trong nước của các quốc gia này tăng cao và thúc đẩy bất mãn chính trị.

“Người dân EU đang cảm thấy tác động của các lệnh trừng phạt này nhiều hơn chúng tôi”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. “Phương Tây mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, dẫn đến khủng hoảng ngày càng tăng”.

Tỷ phú Nga cũng thêm rằng ông Putin tin cơ hội thành công ở Ukraine chỉ tăng lên nếu chiến tranh kéo dài. Ông ấy “là một người rất kiên nhẫn và có thể chờ đợi 6-9 tháng”.

“Rõ ràng Nga muốn làm phương Tây kiệt quệ và hiện theo đuổi chiến lược của riêng mình. Làm cho các nước phương Tây mệt mỏi và sau đó dần đưa ra các mục tiêu quân sự nhất quán hơn”, Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Penta, chia sẻ.

Tổng thống Ukraine Zelensky nhận thức sâu sắc điều này và lo ngại Nga có thể lợi dụng sự mệt mỏi của phương Tây để buộc Kiev phải thỏa hiệp. “Sự mệt mỏi ngày một tăng. Mọi người muốn một kết quả cuộc chiến có lợi cho họ và cho chúng tôi”, Tổng thống Zelensky nói.

Đó là lý do khiến ông luôn duy trì áp lực đối với các quốc gia châu Âu để đảm bảo cam kết của họ đi liền với hành động.

“Trong khi các lãnh đạo phương Tây tuyên bố rằng họ đang làm bao nhiêu để giúp đỡ Ukraine, thực tế là họ đang thận trọng theo dõi Kiev chiến đấu với một cường quốc lớn”, chuyên gia Matthew Sussex nhận định.

Các lãnh đạo G7, Liên minh châu Âu và Tổng thống Ukraine Zelensky trong cuộc họp tại Đức hôm nay. Ảnh: AFP.

Tổng thống Ukraine Zelensky xuất hiện trên màn hình trong cuộc họp qua video với các lãnh đạo G7, Liên minh châu Âu tại Đức tuần này. Ảnh: AFP.

Giới quan sát cũng cho rằng không chỉ các lãnh đạo, nhiều người dân phương Tây cũng khó sẵn sàng chấp nhận cái giá quá cao để giúp đỡ Ukraine mãi mãi.

“Khi xung đột kéo dài và hiệu ứng dội ngược của các lệnh trừng phạt làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng bão giá, chia rẽ trong phương Tây sẽ càng tăng lên và nỗi mệt mỏi với Ukraine sẽ hình thành”, Brahma Chellaney, nhà phân tích của Hill, nhận định.

Các nhà phân tích thêm rằng ông Putin có lợi thế hơn khi phải đối mặt với áp lực trong nước ít hơn nhiều các đối thủ phương Tây nếu xung đột kéo dài.

“Với nguồn thu lớn từ dầu khí, nền kinh tế Nga sẽ đối mặt với suy thoái ít nghiêm trọng hơn nhiều so với Ukraine. Ông Putin có thể tin rằng chiến tranh tiêu hao là chiến thắng với ông, không chỉ ở miền nam và đông Ukraine mà còn xa hơn thế nữa”, Anne Applebaum, nhà phân tích của Atlantic, cho hay.

Thanh Tâm (Theo AP, CNA)

  • NATO nỗ lực phát thông điệp đối đầu Nga
  • Phương Tây hụt hơi khi đối đầu Nga
  • Bài phát biểu giảm tông với phương Tây của ông Putin

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*