Trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm mạnh trong năm nay và nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về một cuộc suy thoái, không ít nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy khỏi thị trường.
Nhưng nếu rời đi ở thời điểm hiện tại, họ có thể sẽ đánh mất cơ hội tận hưởng những ngày “thăng hoa” nhất của thị trường, theo ý kiến của các chuyên gia.
“Mức độ biến động mạnh không chỉ mang ý nghĩa tiêu cực”, theo Veronica Willis, Chiến lược gia phân tích đầu tư tới từ Wells Fargo Investment Institute, chia sẻ. “Trong giai đoạn suy thoái, mức độ biến động mạnh của thị trường được thể hiện qua những phiên giao dịch tăng và giảm mạnh”.
Nói cách khác: những “cơn bĩ cực” và những “ngày thái lai” luôn đi cùng với nhau.
“Qua cơn bĩ cực, tới ngày thái lai”
Kết quả nghiên cứu chứng minh cho luận điểm trên. Một nghiên cứu gần đây của JP Morgan cho kết quả 10 phiên tăng điểm mạnh nhất của chứng khoán Mỹ trong hơn 20 năm qua diễn ra ngay sau những giai đoạn giảm điểm mạnh, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Tỷ suất lợi nhuận của chỉ số S&P 500 sau các giai đoạn thị trường giảm điểm mạnh. Ảnh: CNBC.
Quan trọng hơn, tỷ suất lợi nhuận mà thị trường chứng khoán mang lại cũng đạt giá trị cao nhất sau một giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh.
Tỷ suất lợi nhuận của S&P 500 tăng tới 75% trong vòng 12 tháng thị trường giá xuống năm 2020, gây ra bởi đại dịch Covid-19, kết thúc. Đó là một mức tăng “không tưởng”. Lợi nhuận mà các nhà đầu tư thu về sau một giai đoạn giảm điểm thậm chí lớn hơn so với những giai đoạn thị trưởng ổn định, theo nghiên cứu của Wells Fargo.
Ngân hàng đầu tư này cũng chỉ ra rằng 12 tháng sau khi rơi vào thị trường giá xuống, tỷ suất lợi nhuận của S&P 500 tăng bình quân 50%, cao hơn so với mức tăng trung bình 30% tại các thời điểm nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
Kiên trì bám thị trường sẽ được đền đáp
Và điều đó là cơ sở các cố vấn tài chính khuyên nhà đầu tư kiên trì ở lại thị trường trong những giai đoạn khó khăn, hoặc thậm chí giá tăng khoản đầu tư của mình trong trường hợp họ có thể làm điều đó.
Lịch sử chứng minh nhà đầu tư sẽ thu về “quả ngọt”. Khoản đầu tư 5.000 USD vào chứng khoán Mỹ tại thời điểm thị trường chạm đáy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (9/3/2009) sẽ mang về cho nhà đầu tư 36.000 USD vào đầu tháng 7 này, theo một nghiên cứu của Morningstar Direct. Một khoản đầu tư tương tự tại thời điểm thị trường lao dốc vì đại dịch (23/3/2020) sẽ tăng lên 9.000 USD sau gần 2,5 năm.
Nghiên cứu của JP Morgan cũng chỉ ra xu hướng tương tự. Nếu một nhà đầu tư đầu tư 10.000 USD vào thị trường chứng khoán Mỹ tại thời điểm 1/1/2002, người đó có thể thu về 61.685 USD nếu như vẫn duy trì khoản đầu tư đó ở thời điểm 31/12/2021. Nếu bỏ lỡ thời điểm thị trường tăng điểm mạnh sau giai đoạn điều chỉnh, số tiền mà nhà đầu tư đó thu về chỉ đạt 28.260 USD.
“Trong thị trường giá xuống, mỗi USD bạn đầu tư sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi nhuận hơn”, Rob Williams, Giám đốc phụ trách bộ phận chiến lược tài chính tại Schwab Center for Financial Research, nhận định.
Ưu tiên các mục tiêu tài chính khác
Trong khi đầu tư trong giai đoạn thị trường biến động có thể mang lại những kết quả bất ngờ, điều đó không có nghĩa rằng việc chăm chăm đầu tư nên là ưu tiên tài chính số một của bạn.
Trước khi bạn đổ thêm tiền vào thị trường, hãy đảm bảo bạn có một tài khoản tiết kiệm đủ lớn để có thể đối phó với những trường hợp khẩn cấp, Williams chia sẻ.
Nhà đầu tư nên để dành khoản tiền tương ứng với chi phí sinh hoạt từ 3 tới 6 tháng, theo lời khuyên của phần lớn chuyên gia. Nếu như bạn không có đủ tiền để “sống sót” qua những ngày tháng khó khăn, ví dụ như mất việc làm hoặc sụt giảm thu nhập , bạn có thể phải bán bớt cổ phiếu, đồng nghĩa với việc bán đi cơ hội của chính mình.
Nếu như bạn có bất kỳ khoản vay lãi suất cao nào, hãy tập trung trả hết khoản nợ đó trước khi tiếp tục đầu tư thêm vào thị trường, theo Bryan Stiger, Chiến lược gia tài chính tại Betterment. Lãi suất các khoản vay thẻ tín dụng của bạn có thể cao hơn mức lợi suất hứa hẹn mà thị trường mang lại.
Theo CNBC
Để lại một phản hồi