Số thương vụ đầu tư vào Trung Quốc giảm mạnh trong nửa đầu năm 2022

Sản xuất chế tạo là lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022, chiếm tỷ trọng 21%. Ảnh: AFP
Sản xuất chế tạo là lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022, chiếm tỷ trọng 21%. Ảnh: AFP

Đáng kể, số thương vụ đầu tư từ giai đoạn đầu (early-stage) đến trước khi IPO (pre-IPO) trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc đã tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát phức tạp ở nước này trong vài tháng qua và sự sụt giảm của chứng khoán trong nửa đầu năm.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy khoảng 300 thương vụ, chiếm gần 1/4 tổng số các thương vụ đầu tư tại Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 có liên quan đến chất bán dẫn. Một số nhà đầu tư vào các thương vụ này đến từ các quỹ đầu tư có liên quan đến chính phủ.

Tuy số liệu về các khoản đầu tư ở giai đoạn đầu không phải lúc nào cũng đầy đủ do tính bảo mật thông tin của các thương vụ, nhưng nó có thể phản ánh xu hướng đầu tư vào thị trường Trung Quốc.

Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các công ty sản xuất chip tăng lên trong bối cảnh Bắc Kinh “nắn gân” các công ty internet tập trung vào người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của công nghệ như các công cụ thiết kế mạch tích hợp và thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

Theo Qimingpian, sản xuất chế tạo là lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, chiếm tỷ trọng khoảng 21%, theo sau là dịch vụ kinh doanh, y tế và dược phẩm.

Phân chia theo doanh nghiệp, thì các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ô tô điện và giao thông vận tải đứng đầu về huy động vốn với 193 tỷ nhân dân tệ (tương đương 28,82 tỷ USD). Tuy nhiên, giá trị nhiều thương vụ khác không được tiết lộ.

“Trong 12 tháng qua, tôi cho rằng đã có rất nhiều dòng vốn nóng chảy vào một số thương vụ thuộc các lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc đang xúc tiến mạnh mẽ”, ông Chibo Tang, đối tác cấp cao tại Công ty đầu tư mạo hiểm Gobi Partners, cho biết. Chuyên gia này lưu ý xu hướng trên đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về giá trị các thương vụ.

Giai đoạn nửa đầu năm 2022 chứng kiến Thượng Hải phong tỏa chặt trong hai tháng nhằm kiềm chế sự lây lan của Covid-19 và các hạn chế liên quan đến dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh và kế hoạch đàm phán và chốt giao dịch của nhà đầu tư.

Dựa trên cơ sở dữ liệu của Qimingpian, đài CNBC cho biết trong nửa đầu năm nay, tổng số thương vụ đầu tư vào Trung Quốc giảm 29% so với cùng kỳ năm trước và giảm 25% so với nửa cuối năm ngoái.

“Do thị trường suy thoái trong những tháng gần đây, có rất nhiều nguồn vốn phải đứng ngoài”, ông Tang cho biết.

Công ty Gobi Partners của ông Tang kỳ vọng sẽ xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư ở giai đoạn đầu vào thị trường Trung Quốc trong 12 tháng tới, khi mức định giá giảm xuống. Chuyên gia này cho biết thêm rằng các công ty khởi nghiệp huy động vốn cách đây 18 tháng và đã đưa ra dự báo tăng trưởng, thì này đều phải hạ mức tăng trưởng xuống thấp hơn.

“Các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn”, ông Tang nói. “Vì vậy, các cuộc thảo luận giữa chúng tôi với họ là cách họ nên tiết kiệm nguồn vốn, cách họ nên mở rộng đường băng”.

Trong năm qua, việc Bắc Kinh “nắn gân” các công ty công nghệ và giáo dục điều này sau khi nền tảng đặt xe trực tuyến Didi thực hiện thành công thương vụ IPO quy mô khủng tại Mỹ, đã ngăn chặn khả năng rút tiền dễ dàng của các quỹ đầu tư thông qua IPO. Trước đó, siêu ứng dụng gọi xe Didi đã huy động được 4,4 tỷ USD từ thương vụ IPO trên Sàn chứng khoán New York vào cuối tháng 6/2021.

Trong lúc số phận cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ vẫn trong tình trạng lấp lửng, nhiều công ty khởi nghiệp đã chọn gọi vốn từ thị trường gần nhà hơn, đơn cử là Hong Kong.

Tính đến ngày 14/6, hơn 920 công ty đang xếp hàng để niêm yết cổ phiếu tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong, theo một báo cáo của hãng dịch vụ kiểm toán Ernst & Young. Con số này không có thay đổi nhiều so với tháng 3/2022.

“Các mạch dẫn đầu tư vẫn mạnh, một phần do tồn đọng từ một số thương vụ IPO bị trì hoãn kể từ quý I”, Ernst & Young nêu trong báo cáo.

Tâm lý đầu tư tại thị trường Trung Quốc đại lục đã cải thiện đáng kể khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 trong vài tuần qua. Bằng chứng là sau mức giảm hơn 6% từ đầu năm, chỉ số Shanghai Composite đã bật tăng gần 6,7% trong tháng 6, đánh dấu tháng giao dịch tốt nhất kể từ tháng 7/2020.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*