Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, mở ra cơ hội, phát triển, hợp tác đầu tư giữa tỉnh Thái Bình và Hàn Quốc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải phát biểu tại Hội nghị |
Thông tin về dư địa, tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa nhà đầu tư Hàn Quốc và tỉnh Thái Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận nêu rõ: Thái Bình có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp với 8 khu công nghiệp (KCN) và 49 cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 7 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000 ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Đặc biệt, Khu kinh tế Thái Bình với diện tích 30.583 ha, 22 KCN diện tích 8.020 ha (trong đó Liên Hà Thái là KCN đầu tiên được thành lập trong Khu kinh tế với diện tích 588 ha đã giải phóng mặt bằng và cơ sở hạ tầng đồng bộ). Ngoài ra, tỉnh cũng đã chủ động bố trí quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, chuyên gia, khu vui chơi giải trí, khu sân golf tại Khu kinh tế và các khu đô thị trong tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình có lực lượng lao động trẻ, dồi dào được đào tạo cơ bản với 2 trường đại học lớn, 4 trường cao đẳng và 26 cơ sở dạy nghề quy mô đào tạo trên 35.000 người năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cam kết tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch; tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư; luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án…
Ông Park Noh Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. |
Ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, năm 2022, kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc sẽ là năm hai nước xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực mới như an ninh kinh tế, y tế, biến đổi khí hậu, quốc phòng, bên cạnh các lĩnh vực truyền thông như thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển du lịch.
Hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam tiếp tục được tăng cường trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Covid-19. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đang tăng nhanh trở lại sau đại dịch và nhiều khả năng đến cuối năm 2022, hai nước sẽ đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD.
Theo Đại sứ Hàn Quốc, dù Thái Bình chưa phải là địa điểm mà các công ty Hàn Quốc tích cực đầu tư, nhưng ông tin rằng, với các điều kiện Thái Bình đang có và sẽ đạt được trong tương lai, các công ty Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh gia nhập thị trường và đầu tư nhiều vào tỉnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định: Trong 30 nãm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022), hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc” tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả và ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực và là tiền đề hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” trong thời gian tới.
Với những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng sự hợp tác của Thái Bình với các đối tác Hàn Quốc sẽ ngày càng phát triển, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu đầu tư và đầu tư thành công tại Thái Bình trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể gia tăng đầu tư vào tỉnh Thái Bình, cũng như tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các đối tác Hàn Quốc và Thái Bình, góp phần đưa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên lên tầm cao mới. Bộ Công thương cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ Thái Bình và các đối tác Hàn Quốc trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác, đầu tư; góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh Thái Bình phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Doanh nghiệp Hàn Quốc luôn đi đầu, tuân thủ luật pháp, quan tâm tới cộng đồng xã hội, đóng góp nghiêm túc cho ngân sách. Trong 79 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam có khoảng 73% doanh nghiệp đầu tư về chế biến, chế tạo. Trong làn sóng gần đây, doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển rất nhiều trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt phát triển hệ sinh thái về bán dẫn. Đây là những lĩnh vực Việt Nam đang rất có nhu cầu.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhận định, Thái Bình là tỉnh đi sau nhưng có nhiều lợi thế, tiềm năng và dư địa để phát triển, đồng thời tin tưởng thời gian tới, địa phương này sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu và xây dựng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc đã đặt các câu hỏi nhằm có được những thông tin đầy đủ về tình hình và môi trường đầu tư tại Thái Bình, cũng như những dự án phát triển trong tương lai của tỉnh, qua đó thúc đẩy nghiên cứu, khảo sát các cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.
Đại biểu các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung thảo luận các định hướng và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc phát triển sâu rộng và thực chất trong các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, du lịch và phát triển nguồn nhân lực…
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Thái Bình Nguyễn Khắc Thận trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Korea SMT Co, LTD, với dự án nhà máy JinYang Electronics Vina tại KCN Liên Hà Thái |
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Thái Bình với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM). Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã Trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Korea SMT Co., LTD về Dự án nhà máy JinYang Electronics Vina tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Khu Kinh tế Thái Bình.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương đã kết nối tỉnh Thái Bình với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc. Thái Bình tuy là tỉnh đi sau nhưng luôn học hỏi, lắng nghe, rút kinh nghiệm từ các tỉnh đi trước và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội lực, dự địa, tiềm năng phát triển, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu hợp tác cùng phát triển của nhà đầu tư. Tỉnh Thái Bình tin tưởng sẽ có nhiều hơn nữa sự hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới.
Để lại một phản hồi