Toan tính của Elon Musk với thương vụ Twitter

Elon Musk từng coi đề xuất mua lại Twitter của mình không chỉ đơn thuần là một thỏa thuận kinh doanh. Ông tuyên bố nền tảng mạng xã hội này, dù nhỏ bé hơn so với Facebook hay Instagram song lại chẳng khác gì một “quảng trường thực tế” mang ý nghĩa quan trọng đối với tham vọng tự do ngôn luận trên toàn cầu.

Chính những yếu tố này, chứ không đơn thuần chỉ là một động cơ về lợi nhuận nào đó, đã thôi thúc Musk đưa ra mức giá 54,20 USD/cổ phiếu – con số cao đáng kể so với giá trị vốn hóa công ty lúc bấy giờ. “Tôi không quan tâm đến kinh tế học chút nào,” Musk tuyên bố trong hội nghị TED.

Tuy nhiên sau đó, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và kéo theo giá trị tài sản ròng của Musk. Điều này khiến người đàn ông giàu nhất hành tinh bỗng đặc biệt quan tâm đến tính kinh tế của thương vụ.

Trong một bức thư gửi các cổ đông vào ngày 8/7, luật sư của Elon Musk tuyên bố CEO Tesla sẽ rút khỏi thương vụ mua lại, một phần do Twitter đã đánh giá quá thấp mức độ spam của mình.

Bốn ngày sau, Twitter khởi kiện để ép bằng được Musk thực hiện thỏa thuận như đã giao kèo trước đó. Bên nguyên cho rằng hành vi của Musk trong quá trình tìm cách mua Twitter là “có ý đồ xấu”, đồng thời cáo buộc ông chống lại thoả thuận từ khi “thị trường bắt đầu đảo chiều”. Đơn kiện cũng nêu rõ những lý do ngụy biện mà Musk đưa ra chỉ là “cái cớ” để che mắt cộng đồng về hành vi bán 8,5 tỷ USD cổ phiếu Tesla.

Toan tính của Elon Musk với thương vụ Twitter - Ảnh 1.

Elon Musk tại hội nghị TED

“Thương vụ Twitter cho phép ông ta làm vậy mà không phải đối mặt với câu hỏi tại sao lại bán. Và ông ta đã có thể bán chúng với giá quá hờ”, ông Blodget, nhà sáng lập kiêm CEO của Insider cho biết.

NẠN NHÂN

Một cuộc chiến pháp lý sẽ nổ ra, trong đó, thẩm phán sẽ quyết định xem liệu Musk có buộc phải hoàn tất thương vụ hay không. Đây hứa hẹn sẽ một “gánh xiếc truyền hình”, và người thắng kẻ thua phải chờ hồi sau mới rõ.

Không nghi ngờ gì nữa, nạn nhân rõ ràng nhất của quyết định “quay xe” này là các cổ đông Twitter. Họ, trong đó có cả những siêu hâm mộ của Musk, đã phải ngậm ngùi chứng kiến ​​cảnh người đàn ông giàu nhất thế giới sử dụng tài khoản Twitter để chê bai đội ngũ nhân viên tương lai và chế giễu nền tảng.

Và có lẽ vì muốn tìm ra một lý do nào đó để tránh phải trả giá quá nhiều, Musk bắt đầu bôi nhọ công ty mà mình từng ca ngợi. Ông tuyên bố mạng xã hội này không phải một “công viên tự do ngôn luận” mà chỉ là nhà máy sản xuất thư rác không hơn không kém. Đã không có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh cho điều đó, và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được rằng Twitter đã “vi phạm nhiều điều khoản về thỏa thuận sáp nhập” như lập luận mà phía luật sư Elon Musk đưa ra.

Điều này khiến các nhân viên Twitter vô cùng bất mãn. Họ cho rằng lý do mà họ được nghe là không thuyết phục.

Toan tính của Elon Musk với thương vụ Twitter - Ảnh 2.

Elon Musk muốn mua Twitter để bán cổ phiếu Tesla với giá cao

“Kết thúc phần một. Đúng là kẻ phá đám mà…”, Amir Shevat, một nhân viên thuộc bộ phận phát triển sản phẩm chia sẻ trên trang cá nhân ngày 8/7 ngay sau thông báo muốn “bỏ cọc” của Elon Musk. Anh cũng cho rằng lý do “vi phạm nhiều điều khoản về thỏa thuận sáp nhập” mà đại diện pháp lý Elon Musk đưa ra là không thỏa đáng.

“Ngay lúc này đây, sự bối rối và thất vọng đang tràn ngập công ty”, một nhân viên Twitter chia sẻ với tờ WSJ. “Không thể tin được mọi thứ đã thực sự kết thúc”.

Trên mạng xã hội Twitter, một số nhân viên cũng đang tỏ rõ sự bất mãn, đồng thời tin rằng “trò đùa’’ của Elon Musk vẫn sẽ làm phiền họ trong thời gian tới.

“Giá như đây không phải sự khởi đầu của một cuộc đấu tranh kéo dài. Rắc rối khó có thể kết thúc và sẽ tiếp tục trong vô hạn”, Jared Manfredi, một nhân viên Twitter cho biết.

Theo Bloomberg, giá trị cổ phiếu Twitter đã giảm hơn 11% trong ngày đầu tiên giao dịch sau khi phía Musk cố gắng hủy bỏ thương vụ. Cổ phiếu hiện chỉ được giao dịch ở mức 37 USD, thấp hơn 30% so với lời đề nghị mà Musk đưa ra trước đây. Các chuyên gia cho rằng con số này sẽ tiếp tục biến động, đặc biệt là khi Elon Musk vẫn tiếp tục lươn lẹo để lách khỏi thương vụ. Mọi thứ đã bị biến thành trò cười.

“Từ khi tuyên bố mua lại Twitter, Elon Musk không ngừng làm mất uy tín nền tảng và cả thoả thuận, đặt ra rủi ro kinh doanh đối với Twitter và áp lực giảm giá đối với cổ phiếu công ty”, Twitter viết trong đơn kiện.

Như một cách để thoát khỏi sự vụ này, Twitter nỗ lực kiện Musk với cáo buộc CEO Tesla đã không tôn trọng nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý.

Toan tính của Elon Musk với thương vụ Twitter - Ảnh 3.

Từ khi tuyên bố mua lại Twitter, Elon Musk không ngừng làm mất uy tín nền tảng

“Musk rõ ràng tin rằng anh ta có thể tự do thay đổi ý định, làm gián đoạn thương vụ và thoải mái từ bỏ nếu thích”, đại diện Twitter cho biết.

“Musk đang chơi đùa với sinh kế của nhân viên theo cách đáng kinh tởm”, Dennis Kelleher, giám đốc điều hành Better Markets cho biết.

TOAN TÍNH

Trong suốt 4 năm qua, bắt đầu bằng tuyên bố vô căn cứ rằng mình có “nguồn tài chính được đảm bảo” để đưa Tesla trở thành doanh nghiệp tư nhân, Musk và đội ngũ truyền thông của mình đã bỏ qua các tiêu chuẩn kinh doanh cơ bản, tấn công các nhà quản lý tài chính và “thổi giá” một loại tiền số mất 90% giá trị kể từ tháng 5/2021. Các vụ kiện tụng bắt đầu xảy ra sau trò đùa của Musk và “gã điên” này cũng đã phải thanh toán khoản tiền phạt cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, không điều gì trong số chúng có thể ngăn cản Musk tiếp tục thực hiện những trò đùa tai hại. Nếu chứng minh được rằng Twitter đã cung cấp nhiều thông tin sai lệch và bất lợi, CEO Tesla có thể đàng hoàng chấm dứt thỏa thuận mà không phải trả phí bồi thường. Ngược lại, nếu “lép vế“ trước tòa, Elon Musk sẽ phải trả khoản phí bồi thường 1 tỷ USD – con số được cho là không nhằm nhò gì so với khối tài sản kếch xù hơn 200 tỷ USD.

“Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Musk chấp nhận bồi thường hơn 1 tỷ USD để được rút khỏi thương vụ Twitter. Đối với Musk, việc đó khiến ông ấy nghèo đi một chút, song đổi lại, sẽ thoát khỏi trách nhiệm sở hữu Twitter”, Giáo sư Brian Quinn thuộc trường Luật thuộc Đại học Boston cho biết.

Toan tính của Elon Musk với thương vụ Twitter - Ảnh 4.

Elon Musk đã để lại mớ hỗn độn sau trò đùa quá chớn của mình

Được biết biến động của phố Wall, cộng thêm những lùm xùm trong thương vụ Twitter, đã khiến tài sản của Musk sụt giảm đáng kể. So với đầu năm, khối tài sản ròng cá nhân của người đàn ông này đã bốc hơi hơn 50 tỷ USD, và hiện chỉ còn 214 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, vị thế về tiền mặt của Musk vẫn tốt hơn so với hồi năm ngoái do ông mới thu về 8,5 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu hãng xe điện Tesla. Tính đến cuối tháng 4, Musk đã bán tổng cộng 9,6 triệu cổ phiếu Tesla với giá 885 USD/cổ phiếu.

“Vị tỷ phú đang sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ so với 1 năm trước đây. Nguyên nhân là bởi ông đã bán thành công rất nhiều cổ phiếu của Tesla với giá cao ngất ngưởng”, Sam Abuelsamid, chuyên viên nghiên cứu tại Guidehouse Insights nhận định.

Thực tế đã chứng minh quyết sách lúc đó của ông là hoàn toàn sáng suốt, bởi ngay sau khi Musk bán bớt cổ phiếu Tesla, tâm lý lo ngại của giới đầu tư, lạm phát và suy thoái kinh tế đã khiến hãng xe điện này chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Theo: Bloomberg

Người đàn ông tiết lộ ‘Hồ sơ Uber’



https://babfx.com/toan-tinh-cua-elon-musk-voi-thuong-vu-twitter-20220714160142672.chn

Vũ Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*