Khi đó, lạm phát bắt đầu hạ nhiệt do tác động của bước đi này từ các ngân hàng trung ương.
Phát biểu khi tham gia Hội nghị Bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali – Indonesia, bà Georgieva nhận định giá hàng hóa cơ bản, chẳng hạn dầu thô, có thể đã qua mức đỉnh và bắt đầu giảm trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, theo tổng giám đốc IMF, diễn biến này chỉ là phản ứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế chứ không nhất thiết do lạm phát đã được khống chế.
“Các ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh nỗ lực chống lạm phát. Đó là ưu tiên của họ. Họ cần phải duy trì nỗ lực này cho tới khi lạm phát thực sự được kiềm chế chắc chắn” – bà Georgieva nói với đài CNBC.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva (trái) trò chuyện cùng Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Saudi Mohammed al-Jadaan sau cuộc gặp tại Bali – Indonesia hôm 16-7 Ảnh: REUTERS
Các gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra đối với chuỗi cung ứng đã tạo ra những nút thắt cổ chai trong khi xung đột Nga – Ukraine càng khiến tình hình thêm trầm trọng. Kết quả là giá hàng hóa đã tăng vọt, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực như thực phẩm, phân bón và năng lượng.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá lương thực toàn cầu đạt mức cao nhất từ trước đến giờ trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4-2022. Theo bà Georgieva, mọi dấu hiệu đều cho thấy lạm phát vẫn chưa được kiểm soát và điều này đe dọa làm bào mòn thu nhập của người lao động, cũng như tác động nghiêm trọng đến những khu vực nghèo nhất trên thế giới.
Hội nghị G20 nói trên diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-7. Theo Reuters, đại diện các nền kinh tế G20 đã nhất trí mạnh mẽ về nhiều vấn đề, như an ninh lương thực toàn cầu, dù vẫn còn chia rẽ về cuộc xung đột Nga – Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bất đồng này đã ngăn hội nghị G20 đưa ra thông cáo chung.
Để lại một phản hồi