Trung Quốc – châu Âu tan mộng hợp tác

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới loạt quốc gia châu Âu năm 2014, ông kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới mà chủ tịch Nghị viện châu Âu thời điểm đó gọi là “tín hiệu đáng hoan nghênh” về mối quan hệ hai bên.

Tám năm sau, niềm lạc quan đó tan vỡ, khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu lao dốc đến mức thấp đáng lo ngại, theo các chuyên gia phân tích.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một sự kiện ở Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một sự kiện ở Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

Mối quan ngại của châu Âu về tham vọng toàn cầu và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, căng thẳng Mỹ – Trung cùng các đòn trừng phạt ăn miếng trả miếng và xung đột Nga – Ukraine đã khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và châu Âu chạm đáy.

Điều này đã được thể hiện rõ ràng trong hai hội nghị thượng đỉnh ở châu Âu tháng trước. Các lãnh đạo G7 và NATO đều thể hiện quan điểm cứng rắn hơn đáng kể đối với Trung Quốc, tín hiệu cho thấy châu Âu đang trở nên đồng điệu hơn với Washington trong lập trường đối phó Bắc Kinh.

Simone McCarthy, bình luận viên chính trị của CNN, cho rằng châu Âu bắt đầu thay đổi thái độ với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh có những động thái đối ngoại quyết liệt làm rạn nứt quan hệ. Đây được xem là đòn giáng mạnh vào giấc mơ của Trung Quốc trong xây dựng mối liên kết chặt chẽ với châu Âu để tạo đối trọng với Mỹ.

“Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nên đóng vai trò là hai lực lượng lớn giúp duy trì hòa bình thế giới, đối phó với những yếu tố bất định trên trường quốc tế”, Chủ tịch Trung Quốc nói với các lãnh đạo EU tại một hội nghị hồi tháng 4, kêu gọi từ bỏ “não trạng chia bè kết phái”.

Nhưng lời kêu gọi của ông dường như không thay đổi được quan điểm của châu Âu, bên đang tập trung vào nỗ lực gây sức ép để Trung Quốc phát huy vai trò trung gian cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.

“Chúng tôi trao đổi về mọi thứ, nhưng chỉ dừng ở đối thoại. Đó là cuộc đối thoại bế tắc”, Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU, nói sau đó.

Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực bắc cầu quan hệ với châu Âu, thiết lập một hội nghị thượng đỉnh thường niên với các nước Trung và Đông Âu, cũng như tìm cách mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường tới châu lục. Sáng kiến này từng giành được ủng hộ từ một thành viên G7, khi Italy quyết định tham gia vào năm 2019.

Nhưng châu Âu cũng rất chú ý đến những lo ngại của Mỹ về rủi ro khi hợp tác với Trung Quốc. Nhiều nước châu Âu dần nhận ra chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, từ giọng điệu gay gắt của các “nhà ngoại giao chiến lang”, tới việc Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở châu Phi, cũng như những động thái gây tranh cãi liên quan đến vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Giới phân tích cho rằng các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương hay luật an ninh Hong Kong cũng là những yếu tố làm thay đổi quan điểm của châu Âu. Giới chức Trung Quốc chỉ trích cáo buộc “vi phạm nhân quyền” ở Tân Cương là bịa đặt, đồng thời chỉ trích phương Tây can thiệp vào “công việc nội bộ” của họ khi các nước lên tiếng về vấn đề Hong Kong.

Sau những bất đồng ngày càng lớn, EU năm 2019 tuyên bố Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống” và mối quan hệ giữa hai bên ngày càng rạn nứt kể từ đó.

“Trung Quốc yêu cầu phần còn lại của thế giới phải tôn trọng họ và công nhận vị thế của họ, nhưng không quan tâm nhiều tới những gì người khác nghĩ”, Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học London, nói.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của hàng hóa châu Âu và là nguồn cung sản phẩm lớn nhất cho châu lục trong năm ngoái. Song những bất đồng về chính trị đã làm tổn hại mối quan hệ kinh tế hai bên.

Đầu năm nay, tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Litva đã khiến EU phải đệ đơn kiện Bắc Kinh ra WTO. Liên minh cáo buộc Trung Quốc có các hoạt động thương mại bất bình đẳng với Litva để trả đũa những gì mà Bắc Kinh xem là vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” của họ với Đài Loan.

Litva khi đó đồng ý cho Đài Loan mở văn phòng đại diện tại nước này với tên gọi Văn phòng Đại diện Đài Loan, thay cho cách dùng “Đài Bắc” thông thường. Bắc Kinh cho rằng động thái này “gửi tín hiệu sai lầm đến những lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan”.

Thiệt hại lớn nhất là thỏa thuận thương mại được chờ đợi từ lâu giữa Trung Quốc và EU, bị đình trệ năm ngoái sau những đòn trừng phạt ăn miếng trả miếng giữa hai bên. Bắc Kinh đã trừng phạt các nhà lập pháp và các tổ chức tư vấn, học giả châu Âu sau khi EU trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc vì cáo buộc liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

Nhưng thiệt hại không chỉ đơn giản là một thỏa thuận thương mại, theo bình luận viên McCarthy.

“Phản ứng thái quá từ Bắc Kinh không phải là động thái khôn ngoan”, Ingrid d’Hooghe, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức Clingendael ở Hà Lan, nói, chỉ ra tác động tiêu cực từ hành động của Bắc Kinh đối với dư luận châu Âu. “Chiến lược của Trung Quốc với châu Âu đang sụp đổ và dường như họ không hiểu rằng những động thái này cuối cùng sẽ đi ngược lại mục tiêu ngoại giao của họ, cũng như đẩy châu Âu tới gần Mỹ hơn”.

Trung Quốc dường như chấp nhận cái giá phải trả khi thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với châu Âu. “Với họ, quan hệ có phần lạnh nhạt là cái giá cần thiết và Trung Quốc cho rằng đưa ra lập trường chính trị là điều quan trọng hơn”, Henry Gao, giáo sư Trường Luật Yong Pung How ở Singapore, nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil năm 2019. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil năm 2019. Ảnh: Reuters.

Nhà phân tích McCarthy cho rằng đây cũng là tính toán của Trung Quốc trong phản ứng với xung đột Ukraine. Khi châu Âu và Mỹ đoàn kết ủng hộ Ukraine, Trung Quốc từ chối lên án Nga, đồng thời tích cực củng cố quan hệ với Moskva trong cuộc đối đầu với phương Tây.

Li Mingjiang, phó giáo sư kiêm trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng Trung Quốc rất coi trọng vai trò địa chính trị trong mối quan hệ với Nga cũng như quan hệ thân thiết giữa ông Tập và Tổng thống Vladimir Putin.

“Sức ép của phương Tây khiến Trung Quốc lâm vào tình thế khó xử, nhưng họ sẽ không chấp nhận bất cứ tác động tiêu cực nào đối với mối quan hệ chiến lược Nga – Trung”, ông nói.

Nhiều học giả Trung Quốc thừa nhận tình thế này. Chen Dingding, giám đốc sáng lập Viện Intellisia ở Quảng Châu, trong bài bình luận trên Diplomat cho rằng Trung Quốc chưa lường hết những rủi ro mà xung đột Ukraine có thể mang lại, cũng như chưa hiểu rõ cảm xúc của người châu Âu trước thương vong và thiệt hại do chiến sự gây ra.

“Sự gần gũi về mặt địa lý cũng như cảm xúc của châu Âu với xung đột Ukraine sẽ thay đổi căn bản quan điểm của châu lục trong vấn đề an ninh, phụ thuộc kinh tế và chủ quyền quốc gia trong những năm tới”, ông Chen cho hay.

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia ở châu Âu vẫn ủng hộ cách tiếp cận cân bằng với Trung Quốc, thay vì đoạn tuyệt hoàn toàn với nước này, theo d’Hooghe. Bà dự đoán châu Âu trong tương lai sẽ có những điều chỉnh để tìm ra cách hợp tác với Trung Quốc, nhưng vẫn dè chừng vấn đề an ninh và địa chính trị.

“Nhưng với tình hình hiện tại, những tính toán về chân giá trị sẽ lấn át lợi ích kinh tế trong quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc”, bà nói.

Thanh Tâm (Theo CNN)

  • Khủng hoảng Sri Lanka thử thách vai trò chủ nợ của Trung Quốc
  • Mỹ – Trung đua tăng trưởng
  • Thách thức với kế hoạch G7 dùng 600 tỷ USD đối trọng Trung Quốc
  • Nga – Trung siết chặt tay trước áp lực phương Tây

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*