Ukraine nói Nga dồn quân chống phản kích ở sườn nam

Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 26/7 cho biết lực lượng Nga “tiếp tục điều chuyển thiết bị quân sự, đạn dược và binh lực trên khắp bán đảo Crimea” tới các tỉnh ở miền nam nước này.

“Mỗi ngày có khoảng 50 toa tàu chở nhiều thiết bị quân sự Nga di chuyển về thị trấn Dzhankoi ở phía bắc bán đảo Crimea, giáp tỉnh Kherson của Ukraine”, cơ quan này cho biết. “Các đoàn dài khí tài cũng xuất hiện ở khu vực giữa bán đảo Crimea và Ukraine”.

Phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu và Bộ Chỉ huy Chiến dịch miền Nam của quân đội Urkaine không bình luận về thông tin.

Theo CNN, các video đã được xác thực trên mạng xã hội cho thấy nhiều đoàn xe quân sự của Nga đi từ bán đảo Crimea đến tỉnh Kherson, miền nam Ukraine. Một số đoàn xe khác từ vùng Krasnodar, Nga đi về hướng Crimea, băng qua cây cầu cùng tên.

Quân nhân Nga tại Kherson, miền nam Ukraine ngày 19/4. Ảnh:RIA Novosti.

Quân nhân Nga tại Kherson, miền nam Ukraine ngày 19/4. Ảnh: RIA Novosti.

Nga chưa bình luận về hoạt động chuyển quân tại miền nam Ukraine. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga bác thông tin nước này điều thêm lực lượng tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”.

Giới chuyên gia nhận định Nga có thể tăng cường lực lượng củng cố thế trận phòng thủ ở miền nam Ukraine sau thông tin Kiev dự kiến mở đợt phản công lớn nhằm tái kiểm soát các khu vực thuộc tỉnh Kherson và Zaporizhzhia.

Trong báo cáo công bố ngày 25/7, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ đánh giá lực lượng Nga “tiếp tục củng cố các vị trí ở tỉnh Kherson và Zaporizhzhia để sẵn sàng ứng phó đợt phản công của Ukraine”.

Sau hơn 5 tháng chiến sự, Bộ Quốc phòng Anh nhận định chiến tranh tiêu hao đang diễn ra ở vùng miền đông Donbass, gồm tỉnh Lugansk và Donetsk, cũng như Kherson, nơi hai bên đều đang trong tình thế giằng co và không đạt được lợi thế đáng kể.

Trong khi Nga tiếp tục pháo kích các vị trí ở tỉnh Donetsk, quân đội Ukraine đang tận dụng lợi thế tầm xa và độ chính xác cao của pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp để tiến hành nhiều đợt tập kích vào sở chỉ huy, kho đạn Nga ở miền nam.

Đòn tập kích của pháo HIMARS được cho là đã phá hủy khoảng 30 kho đạn của Nga, buộc Moskva phải chuyển các cơ sở chiến lược vào sâu trong vùng lãnh thổ kiểm soát. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đã yêu cầu lực lượng nước này tìm mọi cách phá hủy các tổ hợp HIMARS của Ukraine.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 5 tháng giao tranh. Đồ họa: Washington Post.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 5 tháng giao tranh. Đồ họa: Washington Post.

Nguyễn Tiến (Theo CNN)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*