Việt Nam nêu 4 biện pháp phát triển hợp tác Mekong – Lan Thương

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 7 diễn ra tại Myanmar hôm nay, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Hội nghị có sự tham dự của Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng và đóng góp hiệu quả vào hợp tác MLC, nhấn mạnh các nước thành viên cần bảo đảm MLC phát triển theo hướng thiết thực, lấy vấn đề tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững làm ưu tiên hàng đầu, đem lại lợi ích thực chất cho người dân.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham gia Hội nghị MLC tại Myanmar hôm 4/7. Ảnh: BNG.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham gia Hội nghị MLC tại Myanmar hôm 4/7. Ảnh: BNG.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất 4 nhóm biện pháp chính, gồm lấy hợp tác phục hồi kinh tế và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế làm trọng điểm, hỗ trợ các nước thành viên thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước, tăng cường kết nối nhân dân.

Hội nghị nhấn mạnh các nguyên tắc hợp tác đồng thuận, bình đẳng, tham vấn lẫn nhau, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, cũng như phù hợp với các quy định và luật pháp mỗi nước, nhất trí thúc đẩy hợp tác MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Sông Mekong có tổng chiều dài 4.350 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Lan Thương.

Sông Mekong chảy qua 6 nước. Đồ họa: Encyclopedia.

Sông Mekong chảy qua 6 nước. Đồ họa: Encyclopedia.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc. Ông bày tỏ mong muốn Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi để hàng hóa, nhất là nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc đi các nước thứ ba, đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt khu vực biên giới nhằm tạo thuận lợi cho đi lại của người dân.

Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc coi trọng củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, mong muốn cùng Việt Nam tăng cường tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, xử lý thỏa đáng bất đồng. Ông khẳng định Trung Quốc coi trọng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mong muốn phối hợp với Việt Nam trong hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư, bảo đảm sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Myanmar hôm 4/7. Ảnh: BNG.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Myanmar hôm 4/7. Ảnh: BNG.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế, cùng giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc mong muốn thông qua đối thoại, hiệp thương để giải quyết bất đồng, sẵn sàng cùng ASEAN thực hiện tốt DOC, sớm đạt được COC, duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải.

Vũ Anh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*