Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Samsung vẫn tiếp tục bổ sung vốn đầu tư vào các dự án tại Việt Nam. Ảnh: Đ.T |
Tiếp tục tỏa sáng
“Tiếp tục tỏa sáng” là cụm từ mới đây đã được các chuyên gia của Ngân hàng HSBC dùng để nói về nền kinh tế Việt Nam trong 2 năm Covid-19 vừa qua, cũng là để nhấn mạnh những thành tựu của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Thậm chí, trong một báo cáo được công bố vào cuối tháng 6/2022, HSBC cho biết, Việt Nam đã chuyển đổi thành công thành trung tâm sản xuất mới nổi của toàn cầu. Và rằng, Việt Nam “đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng…
Nhận định trên càng được củng cố khi nhìn vào số liệu về thu hút đầu tư nước ngoài, vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 15,41 tỷ USD. Đây là một con số tích cực trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn sau Covid-19, dù rằng so với cùng kỳ vẫn giảm 7,1%.
“Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm chủ yếu do vốn đăng ký mới giảm, còn vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục tăng mạnh”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 7 tháng qua, vốn tăng thêm đạt 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt trên 2,58 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam, nên họ đã đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu.
Cũng giống như nhận định của HSBC, ông Hoàng đã nhắc đến một loạt dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao để nhấn mạnh xu hướng tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Chẳng hạn, Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) hai lần tăng vốn, với 920 triệu USD và 267 triệu USD; hay Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC tăng vốn trên 841 triệu USD; rồi các dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng), lần lượt tăng gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…
Bên cạnh đó, mới đây, cả Hải Phòng, Quảng Ninh… đều trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho một loạt dự án.
Thậm chí, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán tại HSBC Việt Nam còn nhắc đến việc Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam để một lần nữa nhấn mạnh về bước “chuyển mình” thành trung tâm sản xuất mới của thế giới của Việt Nam.
Rõ ràng, đứng trên góc độ này, Việt Nam đang tiếp tục tỏa sáng.
Cảnh báo xu hướng đầu tư mới sụt giảm
Dù Việt Nam đang tiếp tục là “ngôi sao” trong thu hút đầu tư nước ngoài, song có một thực tế là, vốn đăng ký mới đang tiếp tục xu hướng sụt giảm.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 7 tháng qua, có 927 dự án mới đăng ký đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn 5,27 tỷ USD, giảm 7,9% về số dự án và giảm 43,5% về vốn.
– Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Lý giải xu hướng này, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, một thực tế là, vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021.
Thêm vào đó, sự sụt giảm của vốn đăng ký mới còn do năm ngoái, nhiều dự án quy mô vốn trên 100 triệu USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án này chiếm tới 62,6% tổng vốn đăng ký mới của 7 tháng năm 2021. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 40,2% tổng vốn đầu tư.
Tuy vậy, ông Hoàng cũng cho biết, mức độ giảm “đã được cải thiện dần” so với các tháng đầu năm.
Cụ thể, tính riêng từng tháng, nếu như trong 4 tháng đầu năm, vốn đăng ký mới giảm mạnh, thì từ tháng 5 đến nay, nguồn vốn này đã tăng dần so với cùng kỳ (các tháng 5, 6, 7 tăng lần lượt 12,8%, 14,6% và 34,6%).
Dù vậy, nguyên nhân tăng một phần do vốn đăng ký mới của các tháng cùng kỳ năm 2021 bị giảm mạnh bởi ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát dịch khi biến thể Delta bùng phát lần thứ 4 và lây lan nhanh tại Việt Nam.
“Xét về giá trị, nguồn vốn này cũng đang có xu hướng tăng dần theo từng tháng trong năm 2022, nhưng mức tăng chưa cao và chưa được như kỳ vọng”, ông Hoàng thừa nhận.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lần đầu tiên lên tiếng cảnh báo về tình trạng vốn đầu tư mới liên tiếp giảm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc vốn đăng ký cấp mới giảm so với cùng kỳ là do xu hướng chung toàn cầu, nhưng cũng là tín hiệu cho thấy, Việt Nam chưa tranh thủ tốt cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư toàn cầu. Và điều này có thể ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng, mở rộng đầu tư của khu vực đầu tư nước ngoài trong trung và dài hạn.
Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã một lần nữa nhắc đến điều này.
Thậm chí, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương còn lo ngại rằng, thu hút mới giảm chứng tỏ các bước chuẩn bị về đất đai, nhân lực chưa tốt.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thì ái ngại, khi thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu được áp dụng từ năm sau, tình hình sẽ khó khăn hơn.
“Chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tốt hơn trong vòng 5 năm tới để có thể tranh thủ tốt cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Để lại một phản hồi