VN-Index xuyên thủng đáy tháng 5
Cú lao dốc phiên 6/7 là phiên rơi sâu nhất của cả ba chỉ số chứng khoán Việt Nam trong tuần qua. Vn-Index giảm 31,68 điểm (-2,68%) và đóng cửa ở mức thấp nhất 16 tháng. Tuy nhiên, hai phiên hồi phục liền sau đã giúp chỉ số sàn HoSE củng cố lại vùng đáy khi xác định ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh khoảng 1.150 – 1.160 điểm. Tương tự HNX-Index và UPCoM-Index cũng ghi nhận sự hồi phục.
Khép lại tuần giao dịch thứ hai của tháng 7, VN-Index giảm 27,59 điểm (-2,3%) đưa chứng khoán Việt Nam lọt top 10 giao dịch tiêu cực chỉ sau một số sàn chứng khoán khác như Nga, Ai Cập, UAE…
Dù là một tuần giao dịch khá tiêu cực, các chỉ số chứng khoán Việt Nam được hỗ trợ khá nhiều từ nhóm cổ phiếu tài chính. Dòng ngân hàng quay đầu giảm ở phiên thứ Sáu nhưng tính chung cả tuần đây vẫn là nhóm đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index với hàng loạt trụ cột như TCB, VIB, MBB. Cổ phiếu ba ông lớn ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV đều mất sạch thành quả trong tuần do giảm mạnh phiên 8/7. Cổ phiếu chứng khoán là nhóm tăng mạnh và bền bỉ nhất tuần qua. HCM, EVS, MBS đều nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu tài chính không đủ để đối trọng với mức giảm của nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt nhóm dầu khí. Giá dầu tuần qua đã có thời điểm xuống dưới 100 USD/thùng GAS, PVS và BSR đều là đầu tàu kéo ba chỉ số chứng khoán Việt Nam đi xuống.
Thanh khoản trên thị trường tiếp tục ở mức thấp. Trên sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt chưa đến 500 triệu đơn vị/phiên, giảm 8,12% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 11.189,59 tỷ/phiên, giảm 8,77% so với tuần trước.Còn tại sàn HNX, trong khi khối lượng giao dịch giảm 7,53%, giá trị giao dịch bình quân lại giảm tới 14,06% so với tuần trước, đạt 1.064,01 tỷ/phiên.
Khối ngoại bán ròng, tự doanh và cá nhân trong nước đỡ thị trường
Khối ngoại đã chấm dứt 5 tuần mua ròng liên tiếp trên HoSE khi tuần qua đã bán ròng hơn 1.050 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND dựa trên rổ chỉ số VNDiamond từng hút hàng nghìn tỷ đồng của khối ngoại từ đầu năm nay lại là mã chứng khoán bị tập trung bán ròng nhiều nhất. Khối ngoại đã thu về 233 tỷ đồng sau khi rút khỏi FUEVFVND tuần qua. VHM, GAS, DXG và SSI cũng bị bán ròng trên trăm tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu được tập trung giải ngân mạnh là VNM, STB. Trong tuần, cổ phiếu Vinamilk từng có thời điểm “gánh” thị trường khi trở thành điểm sáng hiếm hoi tăng giá trong phiên 7/7. Tính từ mức đáy hồi giữa tháng 6 (62.300 đồng/cổ phiếu), ông lớn ngành sữa đã hồi phục hơn 17% trong chưa đến một tháng.
Trong khi đó, tự doanh và cá nhân trong nước mua ròng trong tuần này. Khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng tổng cộng hơn 506 tỷ đồng trên toàn thị trường tuần từ 4-8/7. Nhóm này cũng là bên mua chính lượng chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND mà khối ngoại bán ra với giá trị mua ròng 225 tỷ đồng. Còn lại, khối tự doanh tuần này cũng giải ngân khá mạnh vào nhóm ngân hàng. Trong đó, gần 170 tỷ đồng đã được chi ra để mua ]riêng 3 mã chứng khoán EIB, TCB, STB.
Tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới tiếp tục tăng nhanh
Nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 466.071 tài khoản trong tháng 6, dù giảm 2% so với tháng 5 nhưng vẫn là tháng có lượng tài khoản mở mới cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của thị trường.
Trong tháng mở mới kỷ lục liền trước, có khá nhiều tài khoản mở mới nhờ hình thức kết nối khi mở tài khoản ngân hàng của một công ty chứng khoán có vốn góp của tổ chức tín dụng. Không loại trừ khả năng, công ty chứng khoán này lại tiếp tục góp thêm lượng đáng kể tài khoản mở mới tháng này. Theo nhận định một số người trong ngành, tỷ lệ lượng tài khoản hoạt động (active) trong số các tài khoản mở mới trên sẽ khó cao ngay ở thời điểm hiện tại.
Tính chung cả 6 tháng đầu năm, cá nhân trong nước mở mới gần 1,85 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 21% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021. Đến cuối tháng 6/2022, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 6,16 triệu, tương đương hơn 6% quy mô dân số.
Hơn trăm cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 3/2022
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tuần qua đã công bố danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 3/2022.
Ngoài 10 cổ phiếu thuộc diện thời gian niêm yết dưới 6 tháng, số mã chứng khoán không được phép ký quỹ vẫn còn tới 106 mã khác, bao gồm 49 mã cổ phiếu trên HoSE, 56 mã cổ phiếu trên HNX và một trường hợp là chứng chỉ quỹ quỹ ETF IPAAM VN100. Quỹ đầu tư đại chúng nà đã có tối thiểu một tháng có giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu CEE bị đưa vào danh sách do thuộc diện huỷ niêm yết. Trên sàn HNX, cũng có 7 mã có khả năng bị hủy niêm yết gồm PDC, HGM, CKV, PHP, PVL, SD2, TST và 4 mã trong tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc là APP, C92, HPM, VIE nên không được phép ký quỹ.
Danh sách này cũng bao gồm một số cổ phiếu doanh nghiệp lớn như Vingroup (lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên báo cáo hợp nhất là số âm), VietnamAirlines (thuộc diện kiểm soát), Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (thuộc diện cảnh báo),…
Để lại một phản hồi