Các quan chức Fed vẫn lạc quan rằng họ cùng lúc có thể kiềm chế lạm phát mà không khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Ảnh: AFP |
Hầu hết các chuyên gia kinh tế ở Phố Wall đều cho rằng, kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm, nhưng họ nhận định nguy cơ này sẽ không xảy ra ít nhất đến năm 2023.
Tuy nhiên, công cụ đo đường tăng trưởng GDPNow của chi nhánh Fed tại Atlanta cho thấy sản lượng kinh tế Mỹ trong quý II/2022 ước giảm 2,1%. Cùng với mức giảm 1,6% trong quý I, biến động sản lượng trên là phù hợp với định nghĩa kỹ thuật về suy thoái.
Ông Nicholas Colas, nhà đồng sáng lập Công ty nghiên cứu thị trường DataTrek Research cho biết: “GDPNow là một công cụ mạnh về theo dõi tăng trưởng và càng gần đến ngày 28/7 [ước tính GDP ban đầu của quý II] thì nó càng chính xác hơn”.
Công cụ GDPNow đã ghi nhận mức sụt giảm sản lượng khá mạnh so với ước tính tăng trưởng 0,3% trong lần cập nhật trước đó vào ngày 27/6. Dữ liệu cập nhật tuần này cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tiếp tục suy giảm và đầu tư trong nước phải điều chỉnh do lạm phát càng kéo giảm chi tiêu tiêu dùng và đẩy nền kinh tế Mỹ vào vùng tăng trưởng âm trong quý II.
Cũng trong quý II, Mỹ chứng kiến động thái chưa từng có của Fed. Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát gia tăng kỷ lục, Fed đã tăng lãi suất cơ bản thêm tổng cộng 1,5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, và nhiều khả năng lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2022 và kể cả năm 2023.
Các quan chức Fed lạc quan cho rằng vẫn có thể “hạ cánh mềm” bằng cách cùng lúc có thể kiềm chế lạm phát mà không khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đánh giá lại rằng “hạ nhiệt” lạm phát là công việc tối quan trọng hiện nay.
Trong một phiên thảo luận do Liên minh châu Âu chủ trì hồi đầu tuần, câu hỏi được đặt ra cho Chủ tịch Fed là ông sẽ trả lời người dân Mỹ ra sao về việc chính sách tiền tệ sẽ mất bao lâu để giải quyết tình hình phí sinh hoạt tăng cao.
Vẫn câu trả lời chung chung, Chủ tịch Fed nói ông sẽ thông tin đến công chúng Mỹ rằng: “Chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu nỗi đau mà người dân đang trải qua khi đối phó với lạm phát tăng cao, rằng chúng tôi có các công cụ để giải quyết vấn đề đó và quyết tâm sử dụng chúng, đồng thời chúng tôi cam kết và sẽ thành công trong việc kéo lạm phát xuống 2%. Quá trình này rất có thể sẽ kéo theo một số đau đớn, nhưng nỗi đau tồi tệ hơn sẽ là không giải quyết được tình trạng lạm phát tăng cao và để nó tiếp tục kéo dài”.
Các động thái của Fed có đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái hay không thì vẫn chưa được xác định. Theo đánh giá của phía Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, việc hai quý liên tiếp tăng trưởng âm là chưa cần thiết để công bố suy thoái. Tuy nhiên, kể từ Thế chiến thứ 2, Mỹ chưa từng rơi vào trạng thái nền kinh tế suy giảm trong các quý liên tiếp mà tránh nổi suy thoái.
Ông Nicholas Colas, nhà đồng sáng lập Công ty nghiên cứu thị trường DataTrek Research đánh giá: “Quá trình theo dõi dữ liệu lâu nay của mô hình GDPNow là rất hiệu quả”. “Kể từ khi chi nhánh Fed tại Atlanta lần đầu tiên bắt đầu chạy mô hình GDPNow vào năm 2011, sai số trung bình của nó chỉ là 0,3 điểm. Từ năm 2011 đến năm 2019 (giai đoạn không có sự xuất hiện của đại dịch), sai số của mô hình này trung bình bằng 0”.
Đại diện của DataTrek Research lưu ý thêm rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã ghi nhận triển vọng tăng trưởng chậm hơn, giảm đáng kể trong hai tuần qua. “Cổ phiếu không thể ngồi yên khi lợi suất trái phiếu gần đây sụt giảm, bởi thị trường nhận ra vấn đề tương tự được mô tả trong dữ liệu GDPNow rằng nền kinh tế Mỹ đang nguội lạnh nhanh chóng”, ông Nicholas Colas cho biết.
Để lại một phản hồi