Hơn một nửa số thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài gánh khoản nợ trung bình 540.000 yen (3.950 USD) để đến Nhật Bản làm việc. 80% số thực tập sinh Việt Nam và Campuchia ở trong tình cảnh này, theo khảo sát đối với 2.100 thực tập sinh của Cơ quan Nhập cư Nhật Bản giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022, tờ Nikkei đăng tải hồi cuối tháng 7.
Ngôn từ lạm dụng, bạo lực và tình trạng không được trả lương là những vấn đề với chương trình thực tập sinh kỹ thuật, dẫn đến hàng loạt lao động bỏ trốn. Cơ quan Nhập cư Nhật Bản đã điều tra hoàn cảnh của những người này, nghi ngờ các thực tập sinh đang “bị tính phí bất công”.
Thực tập sinh Việt phải trả trung bình 688.000 yen cho các tổ chức điều phối lao động trước khi đến Nhật. Đối với những công ty trung gian, tách biệt với các cơ quan điều phối được chính phủ phê duyệt, 17% thực tập sinh Việt phải trả trung bình 446.000 yen tiền hoa hồng.
Mặc dù các thỏa thuận liên chính phủ cấm các tổ chức điều phối lao động thu tiền cọc và tiền phạt để ngăn tình trạng phá hợp đồng, các thực tập sinh nước ngoài ở Nhật thực tế vẫn phải trả trung bình 19.000 yen.
Để chi trả các khoản phí, 80% thực tập sinh Việt đã vay trung bình 674.000 yen.
Trong số các thực tập sinh được hỏi ý kiến, 79% cho biết mức lương ở Nhật như họ mong đợi hoặc cao hơn, trong khi 21% cho biết mức lương thấp hơn dự kiến.
Về nguyên tắc, thực tập sinh trong chương trình thực tập kỹ năng không được thay đổi công việc trong ba năm đầu, ngay cả khi không hài lòng về mức lương và quyền lợi của mình. Do đó, nhiều trường hợp đã bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp để trả nợ. 7.167 trường hợp như vậy được báo cáo vào năm ngoái, hơn 60% là người Việt.
“Nếu xác định được thực tập sinh đang bị tính phí quá cao, chúng tôi sẽ thông báo tới chính phủ đối tác”, một quan chức Cơ quan Nhập cư Nhật Bản nói.
Để lại một phản hồi