Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về các vấn đề liên quan tới quản lý thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính nêu rõ trong giai đoạn 2016 – 2021, thị trường vốn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm; thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2019-2021 trên 30%/năm, qua đó dần thu hẹp khoảng cách và cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng.
Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn, bao gồm phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đấu giá cổ phần hóa năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỉ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đến nay, nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh vẫn chưa được hoàn tiền, dù các lô trái phiếu đã bị hủy bỏ
Trả lời đại biểu Quốc hội và cử tri, Bộ Tài chính đánh giá thị trường vốn đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế và phát triển cân bằng với thị trường tiền tệ, tín dụng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận thời gian gần đây, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh như vụ việc của FLC, Louis.
Để ổn định thị trường cổ phiếu, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để thanh kiểm tra. Cụ thể, Bộ đã thực hiện kiểm tra, hủy giao dịch đối với 74,8 triệu cổ phiếu, phong tỏa tài khoản, xử lý hành chính trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC do giao dịch không đúng quy định; chủ động chuyển cơ quan điều tra hồ sơ của Công ty Louis Holding và 34 vụ việc của các công ty khác có vi phạm. Riêng thị trường này, Bộ Tài chính đã đề nghị khởi tố 6 vụ việc.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán, 2 doanh nghiệp phát hành. Qua đó, ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển cơ quan công an 1 vụ việc. Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan điều tra trong vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tổ chức kiểm tra tại 5 công ty chứng khoán liên quan đến vụ việc này. Từ nay đến hết năm, Bộ sẽ còn kiểm tra nhiều doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, Bộ Tài chính sẽ tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thị trường như Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý giám sát bao gồm cả việc giám sát liên thông với Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.
“Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm…”- văn bản trả lời của Bộ Tài chính nêu rõ.
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn.
Để lại một phản hồi