“Cuộc chiến” Silicon: Giải mã sức mạnh Trung Quốc

Trung Quốc là một tổ hợp vấn đề không thể không nhắc đến khi bàn về cán cân kinh tế, thương mại, công nghệ trong mối quan hệ chằng chịt hiện nay. Giai đoạn 1990 – 2010, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình 9,6%/năm, lần lượt vượt qua Nhật Bản và Tây Âu.

Về khoa học công nghệ, Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ “Thần Châu 6”, đưa người vào vũ trụ lần thứ 2, là quốc gia thứ 3 đổ bộ lên mặt trăng thành công,…Tất nhiên, đó là những công nghệ không thể thiếu sự hỗ trợ của công nghiệp bán dẫn .

Sự phát triển của Trung Quốc được quan tâm ở chỗ, khả năng thu hút FDI thuộc hàng vô đối. Đơn cử năm 2003, FDI vào Trung Quốc đạt 50 tỷ USD bằng 60% tổng đầu tư nước ngoài vào châu Á; năm 2004 quốc gia này thu hút 60 tỷ USD vốn FDI, gấp 3 lần các nước ASEAN cộng lại. Đến năm 2021, vốn FDI vào Trung Quốc đã lên tới 181 tỷ USD. Vì sao đặc điểm này cần quan tâm, có liên hệ gì với ngành chip?

Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc chọn Trung Quốc đầu tư vì đây là thị trường khổng lồ, lao động dồi dào, giá rẻ, giàu tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng “cứng” và “mềm” hoàn hảo. Tất cả các công ty đa quốc gia đều có mặt tại Trung Quốc!

Nền kinh tế Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng thế giới”, nơi đóng vai trò sản xuất theo đơn đặt hàng, gia công, lắp ráp, đóng gói và xuất khẩu. Trong chuỗi giá trị toàn cầu, đây là những công đoạn không đòi hỏi nhiều chất xám.

Mỗi ngày lao động tiêu chuẩn (8h) ở Mỹ có giá 58 USD, còn mỗi ngày lao động tại Trung Quốc chỉ khoảng 21 USD. Xuất phát điểm này phần nào cho thấy giá trị thực của nền kinh tế Trung Quốc, tiềm lực nội tại dựa trên cột trụ lao động giản đơn chứ không phải công nghệ nguồn.

“Cuộc chiến Silicon: Giải mã sức mạnh Trung Quốc - Ảnh 1.

Huawei, niềm tự hào công nghệ Trung Quốc

Những gì xảy ra với hãng công nghệ Huawei – niềm tự hào của đại lục cho thấy rõ hơn sức mạnh của Trung Quốc đang ở giai đoạn nào trong công nghệ bán dẫn. Sau lệnh cấm vận ngăn Huawei tiếp cận chip Mỹ, khiến công ty này quay trở về với trình độ 10 năm về trước.

Họ không thể sản xuất chip Kirin, chip xử lý hiện đại nhất của thương hiệu này. Nguyên nhân là bởi Huawei sử dụng phần mềm của các công ty Mỹ để thiết kế chip xử lý. Thậm chí, đến khâu sản xuất, tập đoàn này cũng sử dụng thiết bị từ các công ty Mỹ.

Để ra đời 1 con chip điện tử trải qua ít nhất 9 công đoạn, từ miếng silicon thô đến khi có thể lắp ráp vào hệ thống. Đầu tiên là Research & Development – nghiên cứu và phát triển (R&D), đây là bước khởi đầu khó khăn và tốn kém nhất.

Theo danh sách 15 trường đại học đào tạo khoa học máy tính tốt nhất hành tinh của World Scholars Shub, hoàn toàn đến từ Mỹ như Cornell, New York, New Jersey, Washington, Illinois, Florida,… Thung lũng Silicon ở San Francisco hiện không có đối thủ.

Chi phí R&D trong lĩnh vực bán dẫn xấp chỉ 14% doanh thu, trang bị dây chuyền sản xuất chip tùy theo kích cỡ từ 7nm xuống 5nm dao động vài trăm triệu USD đến 5 -7 tỷ USD. Dĩ nhiên, chi phí cao buộc đạt được lợi nhuận tương xứng, không khó hiểu khi các công ty Mỹ đứng đầu trong chuỗi cung ứng này.

“Cuộc chiến Silicon: Giải mã sức mạnh Trung Quốc - Ảnh 2.

Sức mạnh đáng kể nhất của Trung Quốc trong ngành bán dẫn là đất hiếm

Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào ngành bán dẫn, hy vọng nội địa hóa 70%. Tập đoàn SMIC chi gần 9 tỷ USD xây nhà máy chip ở Thượng Hải. Đầu tháng 7 SMIC bị nghi vấn sao chép công nghệ chip 7nm của TSCM (Đài Loan) sau khi TechInsights đã kiểm định.

Công ty vi điện tử Thượng Hải là đơn vị duy nhất tại Trung Quốc có khả năng sản xuất máy in thạch bản quy trình 90nm, hiện đang phát triển tiến trình 14nm. Nghĩa là Trung Quốc mất rất nhiều thời gian để giảm kích thước chip xuống dưới 7nm!

Hiện Trung Quốc có khoảng 10 công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip, con số không ít nếu so với Mỹ và Nhật Bản, Tây Âu. Tuy nhiên đa phần sản phẩm định vị ở phân khúc thấp và trung cấp.

Trung Quốc rất mạnh ở công đoạn lắp ráp, kiểm tra chất lượng và đóng gói. Hơn 90% các thiết bị điện tử thông dụng hiện nay đều có dòng chữ “Assembled by China”. Khoảng 60% khối lượng công việc của công đoạn này do Trung Quốc đảm nhiệm.

Tuy vậy, tiềm năng Trung Quốc trong ngành bán dẫn không thể xem thường. Được lãnh đạo bởi đội ngũ tinh hoa túc trí đa mưu, nhà nước toàn năng có thể tập trung cao độ phát triển một vài lĩnh vực then chốt, lịch sử đã chứng minh.

Trung Quốc có tiềm lực tài chính dồi dào, các định chế tài chính sẵn sàng được thiết kế đặc biệt để tài trợ vốn cho bất cứ hoạt động kinh tế nào mà Đảng cộng sản Trung Quốc ra chỉ thị, tuyên bố quyết tâm chính trị.

Cuối cùng, Trung Quốc sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm nhiều nhất thế giới, không có nó thì không có chất bán dẫn, không có công nghiệp công nghệ cao.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*