Bộ Công thương vừa có văn bản 5019/BCT-ĐL ngày 22/8/2022, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho ý kiến về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Trước đó, ngày 21/7/2022, Bộ Công thương có văn bản 128/BC-BCT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp. Tuy nhiên, Chính phủ đã yêu cầu phải có ý kiến tham gia của các bộ, ngành và EVN.
Theo đề xuất của Bộ Công thương, với các dự án án chuyển tiếp, Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đã được báo cáo tại văn bản số 17/BCT-BC ngày 27/1/2022, nghĩa là nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành.
Các nhà máy điện mặt trời đã COD sẽ được rà soát lại |
Đối với các dự án điện gió và mặt trời triển khai trong tương lai, Bộ đề nghị chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như các dự án chuyển tiếp như nêu trên. Điều này là nhằm đảm bảo tính thống nhất của hành lang pháp lý với các dự án.
Với các dự án đã được công nhận vân hành thương mại (COD), Bộ đề nghị Thủ tướng có văn bản chỉ đạo để Bộ Công thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và các chủ đầu tư nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán – bên mua – người tiêu dùng điện và Nhà nước.
Bộ Công thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định bãi bỏ các Quyết định số 13/2020/TTg về cơ chế phát triển điện mặt trời, Quyết định 37/2011/QĐ-TTG và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế phát triển điện gió. Giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị Dự thảo Quyết định, xin ý kiến các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong thời gian 3 năm qua từ 2019-2021 đã có sự phát triển nhanh của các nguồn điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam. Báo cáo của Bộ Công thương cho hay, theo thống kê của EVN và các địa phương, trong tổng số 78.121 MW công suất lắp đặt nguồn điện hiện có trên toàn quốc có 16.545 MW điện mặt trời (gồm 8.904 MW điện mặt trời tập trung và 7.660 MW điện mặt trời mái nhà) cùng 4.126 MW điện gió đã vào vận hành, đã được hưởng giá FIT theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó vẫn có nhiều dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế, nhưng không kịp thời hạn được hưởng giá FIT, trong đó có 62 dự án với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện và 5 dự án/phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá điện. Ngoài ra, cũng có một số dự án khác đang triển khai dở dang.
Vì vậy, Bộ Công thương cũng cho rằng, để tránh lãng phí đầu tư xã hội, cần thiết phải xác định cơ chế giá điện cho các dự án này.
Nguồn tin của Báo điện tử Đầu tư – baodautu.vn cũng cho hay, nhiều dự án điện mặt trời tuy đã phát điện lên lưới, nhưng thiếu văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm các mức giá điện ưu đãi cho điện mặt trời hết hạn vào ngày 30/6/2019 và 31/12/2020.
Theo thống kê, trong các nhà máy điện mặt trời đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/1/2021 (thời điểm hết hiệu lực áp dụng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg), chỉ có 41 nhà máy điện có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đáng chú ý trong số này, chỉ có chưa đầy 10 nhà máy điện mặt trời có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 30/6/2019 – thời điểm để chấm dứt hưởng mức giá mua điện mặt trời là 9,35 UScent/kWh.
Còn lại, tới cả trăm dự án điện mặt trời, có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày 1/1/2021 hoặc chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng vẫn đang phát điện lên lưới theo lệnh điều độ của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia.
Để lại một phản hồi