Đòn bẩy tăng trưởng của Đắk Nông

Với trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất thế giới, Đắk Nông có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp bô-xít. Ảnh: Hữu Sang

“Đất lành, chim đậu”

Trong những tháng đầu năm 2022, liên tiếp nhiều tập đoàn lớn đến Đắk Nông, mang theo bản thảo về những kế hoạch đầu tư tỷ đô.

Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư các dự án gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn alumin/năm; Nhà máy tuyển quặng, công suất 5 triệu tấn/năm. Địa điểm xây dựng nhà máy tuyển quặng thuộc địa phận xã Đắk D’rung, Nhà máy Alumin và Nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song). Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát cũng đề xuất Dự án Điện phân nhôm, công suất 500.000 tấn/năm và Dự án Nhà máy điện gió Hòa Phát, công suất 1.500 MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức. Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên khoảng 4,3 tỷ USD.

Trong khi đó, Tập đoàn Việt Phương cũng “dạm ngõ” với chính quyền tỉnh Đắk Nông 4 dự án lớn là Dự án Tổ hợp Boxit – Alumin – Nhôm Đắk Glong; Dự án Điện gió thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong; Khu công nghiệp Nhân Cơ 2; Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại TP. Gia Nghĩa.

Hai tập đoàn trên đều cam kết sẽ triển khai đầu tư, nếu được chấp thuận.

Kế hoạch đầu tư của những “ông lớn” cho thấy, Đắk Nông đã và đang trỗi dậy để trở thành vùng đất mới của nhà đầu tư. Như nàng công chúa ngủ trong rừng, những tiềm năng và thế mạnh của Đắk Nông bắt đầu được đánh thức.

Tỉnh Đắk Nông có trữ lượng bô-xít loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai. Đây là lợi thế tự nhiên đặc biệt quan trọng trong việc thu hút phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và các ngành phụ trợ khác. Trong khi đó, năng lượng tái tạo cũng là thế mạnh khác của Đắk Nông, khi tỉnh có tổng số giờ nắng cao, đạt 2.000 – 2.600 giờ/năm, tốc độ gió bình quân 2,4 – 5,4 m/s, rất thích hợp để phát triển dự án điện gió, điện mặt trời. Hiện Đắk Nông có 9 dự án điện năng lượng tái tạo đã chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn khoảng 17.990 tỷ đồng.

Thế mạnh riêng có khác của Đắk Nông cần phải nhắc đến là cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Đắk Nông được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp, hùng vĩ, với nhiều thác nước như thác Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, Đắk G’Lun, Đắk Buk So, Năm Tầng. Đặc biệt, hồ Tà Đùng được ví như vịnh Hạ Long trên cao, Công viên địa chất Đắk Nông được tổ chức UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Đắk Nông cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của hơn 40 cộng đồng dân tộc cùng chung sống với những bản sử thi truyền đời, những di tích lịch sử, không gian nghệ thuật, văn hóa cồng chiêng đặc sắc. Tất cả những chất liệu ấy hứa hẹn sẽ đánh thức tiềm năng của ngành du lịch Đắk Nông.

Không chỉ có thế, Đắk Nông có đầy đủ tiềm năng để phát triển kinh tế rừng và kinh tế nông nghiệp. Địa phương này có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 650.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 366.000 ha, chiếm hơn 56% tổng diện tích đất tự nhiên. Các loại đất của Đắk Nông khá phong phú và đa dạng với 9 nhóm đất chính, nhưng chủ yếu là đất đỏ bazan chiếm trên 80% diện tích. Mạng lưới sông suối, hồ ao dày đặc, thuận tiện trong việc cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt của dân cư. Khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng của Đắk Nông rất thích hợp để phát triển nông nghiệp.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông, tỉnh đã thu hút được 396 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 74.000 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng lớn trong số vốn này là những dự án về công nghiệp, nông nghiệp và phát triển đô thị. Qua đó, có thể thấy, dòng vốn đầu tư đang dần chảy vào các lĩnh vực thế mạnh, tiềm năng của Đắk Nông.

Ngoài những lĩnh vực thế mạnh nêu trên, tỉnh Đắk Nông còn là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực y tế, giáo dục. Đây là những lĩnh vực hứa hẹn sẽ phát triển tốt trong tương lai.

Nền tảng từ 3 trụ cột

Thành lập vào năm 2004 sau khi chia tách từ tỉnh Đắk Lắk. Chỉ chưa đầy 20 năm, nhưng Đắk Nông đã tiến được những bước không nhỏ trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Tuy vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười cho rằng, so với những tiềm năng, lợi thế của tỉnh thì kết quả đã đạt được chưa tương xứng, chưa khai thác tối đa lợi thế có sẵn của Đắk Nông.

Đắk Nông đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung nguồn vốn đầu tư công cho hạ tầng, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với tỉnh.

Khát khao tạo đột phá để Đắk Nông bắt kịp sự phát triển là nỗi trăn trở của chính quyền và nhân của vùng đất đại ngàn này. Nhưng với xuất phát điểm thấp, Đắk Nông phải đối diện với nhiều khó khăn để huy động các nguồn lực phục vụ phát triển.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế, đó là phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa – đặc trưng sinh thái bản địa, khai thác Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Ba trụ cột trên đang từng bước trở thành nền tảng cho sự tăng trưởng của Đắk Nông, khi thu hút được dòng vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Để cụ thể hóa Nghị quyết trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện.

Theo ông Hồ Văn Mười, các cơ quan, ban, ngành đang thực hiện quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Quy hoạch chung của tỉnh có tính định hướng, dẫn dắt và là cơ sở pháp lý để thực hiện các quy hoạch ngành đảm bảo tính thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau.

“Một trong những nguyên nhân khiến Đắk Nông chưa phát triển mạnh là do quy hoạch chưa rõ ràng. Quy hoạch không phải 5 năm, 10 năm, mà phải hàng trăm năm sau”, ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh ý nghĩa của quy hoạch đối với sự phát triển của Đắk Nông.

Trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh được phê duyệt, Đắk Nông sẽ tập trung mọi nguồn lực hoặc huy động từ xã hội để sớm triển khai các quy hoạch ngành. Trong đó, ưu tiên quy hoạch các ngành công nghiệp như khai thác bô-xít, khu công nghiệp, điện năng lượng tái tạo. Với nông – lâm nghiệp thì ưu tiên phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với du lịch thì tập trung hoàn thành quy hoạch các khu vực có tiềm năng như Tà Đùng, Công viên địa chất và các khu du lịch sinh thái… Từ đó hoàn thiện cơ sở pháp lý kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện đầu tư dự án, thực hiện tốt 3 trụ cột kinh tế mà tỉnh đã đặt ra.

Đắk Nông đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung nguồn vốn đầu tư công để tiếp tục đầu tư hạ tầng, trong đó chú trọng đến hạ tầng giao thông, mà trọng tâm là đường cao tốc Bình Phước – Đắk Nông và hạ tầng khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư đến với tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương…

“Đắk Nông đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở pháp lý để tập trung đầu tư thực hiện đồng bộ các quy hoạch đô thị, xây dựng, quy hoạch ngành. Đồng thời, Đắk Nông sẽ tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp; chú trọng kêu gọi những doanh nghiệp, tập đoàn mạnh, có tiềm năng để triển khai đầu tư những dự án trên các lĩnh vực thế mạnh. Với tiềm năng và lợi thế riêng có, Đắk Nông hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Hồ Văn Mười khẳng định.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*