EU bắt đầu cấm nhập than Nga

Lệnh cấm nhập khẩu than Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ rạng sáng nay, sau khi kết thúc 120 ngày gia hạn để thực thi các hợp đồng đã ký.

Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU thống nhất cấm hoàn toàn than nhập khẩu từ Nga hồi tháng 4, một trong những động thái trừng phạt đầu tiên nhằm vào các mặt hàng năng lượng chủ chốt của Moskva vì xung đột tại Ukraine.

Năm ngoái, 45% lượng than nhập khẩu vào EU đến từ Nga, với giá trị ước tính 4 tỷ euro (4,1 tỷ USD).

Tàu chở hàng của Nga dỡ than tại cảng Rostock của Đức ngày 5/8. Ảnh: Reuters

Tàu chở hàng của Nga dỡ than tại cảng Rostock của Đức ngày 5/8. Ảnh: Reuters

EU đã cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm từ 1,2 tỷ tấn xuống 427 triệu tấn trong giai đoạn 1990-2020 để thúc đẩy các mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đóng cửa những mỏ khai thác trên khắp lục địa khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.

Nguồn cung khí đốt từ Nga cắt giảm trong những tháng gần đây buộc các thành viên EU như Đức, Áo, Hà Lan và Italy tăng cường sử dụng nhiệt điện. Lượng nhiệt điện mà Đức sản xuất đã tăng 20% trong 5 tháng đầu năm, theo công ty phân tích năng lượng Rystad.

Lệnh cấm nhập khẩu than và cắt giảm khí đốt Nga cũng thúc đẩy EU tăng nhập khẩu từ các nguồn khác, bao gồm Mỹ, Australia, Nam Phi và Indonesia. Tuy nhiên, chấm dứt nhập khẩu than cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới Ba Lan, quốc gia nhập khẩu 10 triệu tấn than từ Nga mỗi năm.

Chính phủ Ba Lan áp lệnh cấm hoàn toàn với than của Nga hồi giữa tháng 4, gây tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng và giá cả tăng vọt. Giá một tấn than ở Ba Lan đã tăng gấp 4 lần so với năm ngoái, dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối từ ba triệu người dân Ba Lan vẫn sử dụng than để sưởi ấm.

Giới chức Ba Lan đã áp trần giá than và phân bổ hạn mức mua hàng trong bối cảnh nhu cầu tăng cao trong mùa đông tới. Dù vậy, khả năng tăng cường nhập khẩu than từ các nguồn khác bị cản trước do cơ sở hạ tầng đường sắt và cảng của Ba Lan không thể xử lý hàng hóa khối lượng lớn hơn.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*