Giá bán ure hạ nhiệt, lợi nhuận doanh nghiệp phân bón giảm tốc trong quý II

Trong quý đầu năm nay, giá phân bón thế giới lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm do nguồn cung khan hiếm. Cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022 đã khiến cho nguồn cung phân bón và khí đốt bị đứt gãy, đồng thời thúc đẩy giá hai mặt hàng này tăng mạnh.

Tuy nhiên tới cuối tháng 6, giá phân bón ure thế giới ghi nhận đà hạ nhiệt với nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc và chính sách xuất khẩu phân bón của Nga sang một số thị trường mục tiêu. Theo Chứng khoán KBSV, sau thông tin Nga gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu ure đến cuối năm 2022, giá phân ure thế giới hiện giảm khoảng 30% kể từ vùng đỉnh. Giá ure trong nước cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của xu hướng giảm giá trên thế giới. Cụ thể, mặt bằng giá ure giảm 10% từ đỉnh xuống mức 15.500-16.000 VND/kg (vẫn cao hơn 67% so với mặt bằng giá năm 2021).

Ở diễn biến khác, giá DAP vẫn đang đi ngang. Theo thông tin từ Phân bón Bình Điền, giá DAP Đình Vũ xanh 61% là 2,15 triệu đồng/100 kg, cao hơn đầu năm 15%. Giá DAP Hàn Quốc đen 64% hiện là 2,655 triệu đồng/100 kg, tăng 8% so với đầu năm.

2Nông nhận định nguồn cung DAP nhập khẩu từ Trung Quốc còn hạn chế, dẫn đến giá DAP trong nước khó hạ nhiệt và vẫn giữ mức cao. Bên cạnh đó, giá DAP tại Trung Quốc đã tăng 20% từ đầu tháng 4 và hiện đi ngang ở mức 4.333 nhân dân tệ/tấn (647 USD/tấn), ngày 28/6.

Lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón theo sát diễn biến giá thành sản phẩm này. Nhìn chung, hưởng lợi nhờ giá phân bón, lợi nhuận quý II/2022 của nhóm doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, so với quý I, kết quả kinh doanh nhóm kinh doanh phân ure đã giảm tốc bao gồm hai doanh nghiệp đầu ngành là Đạm Cà Mau ( HoSE:DCM ) và Đạm Phú Mỹ ( HoSE:DPM ). Thông thường, lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón đạt mức cao vào quý II (vụ hè thu) và quý I, IV (vụ đông xuân).

Tại Đạm Cà Mau, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý II là 1.039 tỷ đồng, tăng hơn 247% so với cùng kỳ song giảm 31,5% so với quý I.

Doanh thu thuần gần 4.084 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ song gần như đi ngang so với quý I. Đại diện Đạm Cà Mau cho biết giá phân bón trong quý II có giảm so với quý I nhưng vẫn neo ở mức cao. Riêng giá bán bình quân sản phẩm ure quý II năm nay cao hơn 79% so với cùng kỳ nên doanh thu bán hàng tăng hơn 66% so với quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng, với tổng doanh thu 8.315,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.556,4 tỷ đồng, Đạm Cà Mau hoàn thành 92% mục tiêu doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận 398%.

Giá bán ure hạ nhiệt, lợi nhuận doanh nghiệp phân bón giảm tốc trong quý II - Ảnh 1.

Đơn vị: Tỷ đồng.

Tương tự, Đạm Phú Mỹ công bố lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý II là 1.279 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ song giảm 40,3% so với quý I. Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo lợi nhuận Đạm Phú Mỹ đạt đỉnh trong quý I, sau đó giảm dần từ quý II và III, đến quý IV có thể phục hồi trở lại khi mùa cao điểm bắt đầu.

Cùng lý do giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón quý II tăng mạnh, doanh thu thuần Đạm Phú Mỹ là 5.013 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ song giảm 14% so với quý I. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này ghi nhận 10.842 tỷ đồng doanh thu, tăng 112%; lãi sau thuế 3.394 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.

Năm nay, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.239 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.473 tỷ đồng; tăng lần lượt 31% và 9% so với thực hiện 2021. Theo đó, đơn vị đạt 62,6% mục tiêu doanh thu và 97,7% chỉ tiêu lợi nhuận.

Giá bán ure hạ nhiệt, lợi nhuận doanh nghiệp phân bón giảm tốc trong quý II - Ảnh 2.

Đơn vị: Tỷ đồng

Phân đạm và hóa chất Hà Bắc ( UPCoM: DHB ) cũng ghi nhận lợi nhuận quý II đi lùi so với quý đầu năm. Đơn vị báo lãi sau thuế 478 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 160 tỷ cùng kỳ năm trước và thấp hơn 45% so với quý I. Lũy kế nửa đầu năm, Đạm Hà Bắc báo doanh thu 3.547 tỷ đồng, tăng 92%; lãi sau thuế 1.346 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 409 tỷ đồng.

Công ty cho biết trong quý II, giá bán và doanh thu bán hàng tăng mạnh do diễn biến thị trường thuận lợi, giá ure, NH3 thế giới và trong nước đều trong xu thế tăng cao so với cùng kỳ, hoạt động sản xuất kinh doanh rất hiệu quả.

Giá bán ure hạ nhiệt, lợi nhuận doanh nghiệp phân bón giảm tốc trong quý II - Ảnh 3.

Đơn vị: Tỷ đồng

Trong khi đó, với các đơn vị kinh doanh phân DAP, lợi nhuận thậm chí vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. Tại Hoá chất Đức Giang ( HoSE:DGC ), quý II năm nay đơn vị ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.783 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ. Đây tiếp tục là mức lợi nhuận lớn nhất theo quý của Hóa chất Đức Giang.

Lũy kế 6 tháng, đơn vị này ghi nhận lãi sau thuế của công ty đạt 3.401 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm trước. Doanh thu thuần 7.637 tỷ đồng, tăng 91,5% so với nửa đầu năm 2021. Trong đó, doanh thu phốt pho vàng tăng 185%, doanh thu các mặt hàng phân bón tăng 62,8%, doanh thu WPA tăng 22,7%.

Năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 39% so với kết quả năm ngoái. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu 97,3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Bên cạnh Hoá chất Đức Giang, DAP-Vinachem ( UPCoM:DDV ) là doanh nghiệp phân bón phá đỉnh lợi nhuận trong quý II. Theo đó, lãi sau thuế là 156,4 tỷ đồng, tăng 186,5% so với cùng kỳ và tăng 14,5% so với quý trước đó. Doanh thu quý II đạt 858 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp ở mức 21,2% cao hơn mức 12,9% cùng kỳ nhưng chỉ tương đương so với quý I.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, DAP-Vinachem ghi nhận doanh thu thuần tăng 25,6% lên 1.721 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 224,5% lên gần 293 tỷ đồng và vượt xa kết quả 191 tỷ đồng của cả năm 2021.

Song Phân bón Bình Điền ( HoSE:BFC ) báo cáo cả doanh thu và lợi nhuận đều đi lùi so với cùng kỳ và quý I. Bình Điền kinh doanh chủ yếu mặt hàng phân bón hỗn hợp NPK thương hiệu Đầu Trâu.

Cụ thể, đơn vị này thu về 75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 6,6% so với cùng kỳ và giảm 12,6% so với quý I. Doanh thu thuần đạt 1.805,3 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ và giảm 30,4% so với quý I. Tổng sản lượng sản xuất đạt 129.506 tấn, sản lượng tiêu thụ là 108.462 tấn, lần lượt bằng 57,2% và 46,9% so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Phân bón Bình Điền đạt 4.399,3 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 161,7 tỷ đồng, tăng 8,6% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Năm 2022, doanh nghiệp phân bón lên kế hoạch tổng doanh thu 6.428 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 200 tỷ đồng; lần lượt giảm 17% và 46% so với thực hiện năm trước. Sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành 68,5% kế hoạch doanh thu và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận.

Triển vọng ngành phân bón nửa cuối năm nay

Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), hiện nay giá nguyên liệu đầu vào như than, khí tự nhiên đảo chiều giảm làm giảm áp lực lên giá phân bón. Lượng phân bón tồn kho trên thế giới, đặc biệt ở châu Mỹ, đang tăng mạnh khi nông dân hạn chế mua vì giá quá cao cũng là yếu tố cho thấy giá phân bón nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Đơn vị dự báo giá phân bón tiếp tục giảm tới cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023 trước khi hình thành mặt bằng giá mới.

Đánh giá về giá các loại phân bón, các chuyên gia cho rằng giá DAP sẽ duy trì ở mức cao, song giá ure được nhận định trái chiều.

Chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE:VCI ) kỳ vọng giá urê toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ thấp hơn so với nửa đầu năm. Đơn vị duy trì quan điểm rằng ngành urê toàn cầu sẽ trong tình trạng thiếu cung trong năm 2022 Trung Quốc và Nga tiếp tục hạn chế xuất khẩu urê, nguồn cung urê châu Âu thấp hơn, triển vọng nhu cầu phục hồi trong năm 2022 và chi phí đầu vào tăng.

Giá bán ure hạ nhiệt, lợi nhuận doanh nghiệp phân bón giảm tốc trong quý II - Ảnh 4.

Chuyên gia của Chứng khoán KBSV dự kiến trong nửa cuối năm 2022, giá phân ure có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh khi Trung Quốc nới lỏng chính sách xuất khẩu.

Đồng quan điểm, VCBS kỳ vọng giai đoạn nửa cuối 2022 giá ure sẽ hạ nhiệt khi nguồn cung dần được phục hồi đến từ lệnh cấm xuất khẩu ure của Trung Quốc được dỡ bỏ giúp gia tăng nguồn cung và chi phí đầu vào sản xuất ure là than và khí giảm góp phần hạ giá thành sản xuất.

SSI Research cũng dự báo giá ure sẽ tiếp tục giảm trong quý III do đây là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt. Tuy nhiên, đơn vị kỳ vọng giá ure sẽ tăng trở lại vào quý IV khi vụ đông xuân bắt đầu, dù khó quay trở lại mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3/2022 trừ khi giá nguyên liệu urê (khí, than) phục hồi trở lại.

Đối với giá bán phân DAP, VBSC kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao do chi phí đầu vào sản xuất phân DAP là quặng apatit và lưu huỳnh, trong đó quặng apatit sẽ có xu hướng neo giá cao, còn lưu huỳnh tăng giá mạnh do thiếu hụt nguồn cung từ Nga sẽ khó có thể khôi phục sớm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*