Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 34,47%: Điểm mặt ba nhóm khó khăn

Trong khuôn khổ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, chiều ngày 3/8, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp đối với một trong những nhiệm vụ then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay – đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Báo cáo tóm tắt về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/7/2022 đạt 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (36,71%).

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 1 cơ quan trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,6%), Thái Bình (67%), Tiền Giang (62,2%), Hưng Yên (61,1%), Ninh Bình (60,3%), Tây Ninh (60%)…

Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Các dự án quan trọng quốc gia vẫn còn số vốn giải ngân lớn.

Trong đó, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã giải ngân là 15.776,589 tỷ đồng, đạt 69,03% kế hoạch đã giao. Số vốn còn lại chưa giải ngân là khá lớn (7.708.446 tỷ đồng) nhưng chỉ được giải ngân đến hết 31/12/2022 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Do vậy, để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực rất lớn của chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 ước giải ngân được 7.200 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2022 được giao. Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025: Bộ Giao thông – Vận tải đã quyết định phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần; dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao 257 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ước giải ngân đến hết ngày 31/7/2022 là 185 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia – Ảnh: Chinhphu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận diện và chỉ ra hơn 20 tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, mà theo đánh giá của người đứng đầu nhiều địa phương đã thẳng thắn nêu ra vấn đề nội tại ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.

Các tồn tại này được phân thành 3 nhóm chính. Trong đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, một nhóm khó khăn mang tính đặc thù của năm 2022 là việc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021. Do vậy, đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thực chất cũng mới là năm đầu tiên.

“Các bộ, địa phương bắt đầu khởi động mới nhiều dự án nên thông thường thường cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm”, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng. Một số nơi chưa cập nhật kịp thời sát giá thị trường, chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi lựa chọn thực hiện ký hợp đồng trọn gói nên khó khăn khi xảy ra biến động giá thì nhà thầu sẽ phải gánh chịu, dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.

Cùng đó, việc giải ngân đầu tư công còn gặp khó vì nhóm các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên-môi trường; lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công. Một số quy định như về khoáng sản còn chưa rõ ràng, chưa rõ liệu đất san lấp có phải là khoáng sản hay không. Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa còn cứng nhắc, trong khi việc thu hồi, chuyển đổi mục đích đất lúa, dù diện tích ít, cũng phải lập ĐTM là không cần thiết, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn…

Hay việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng, toàn bộ các dự án nhóm A, B của bộ, cơ quan trung ương; dự án nhóm A do địa phương quản lý, dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 2 tỉnh trở lên đều phải trình Bộ Xây dựng hoặc Bộ chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Trên thực tế các địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện, quy định này đi ngược lại chủ trương phân cấp và quy định đã áp dụng trước đây. Vì vậy, kiến nghị sửa đổi theo hướng giao cơ quan chuyên môn xây dựng cấp tỉnh thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả th.

Liên quan đến đến tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai.

Tại một số dự án, chất lượng chuẩn bị thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt, dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa thể thi công và giải ngân vì lại vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án. Việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thị trường, gây bị động cho chủ đầu tư, nhà thầu.

Theo quy định, từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thi công trải qua nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn thì quy trình, trình tự, thủ tục chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật, tùy từng tính chất của dự án như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật NSNN, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật bảo vệ môi trường, Luật thuế, Luật kiến trúc…

Trước hết, các dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tiếp đó mới đủ điều kiện được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn; tiếp đó là quyết định đầu tư dự án để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao kế hoạch vốn đầu tư hằng năm. Sau khi được bố trí kế hoạch vốn đầu tư hằng năm, để có thể giải ngân, chủ đầu tư thực hiện công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tuyển chọn nhà thầu, tiến hành giải phóng mặt bằng, thanh toán… toàn bộ hoạt động này được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật NSNN, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng….

Mỗi một giai đoạn có những vướng mắc khác nhau, trong khi đó việc thực hiện phải được thực hiện tuần tự theo quy định của pháp luật, tuân thủ thời gian, không được thực hiện trước các hoạt động nên dù có vướng mắc nhỏ thì cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tiến độ tổng thể của dự án.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*