Điểm trừ tuần qua là thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó, dù vẫn cao hơn trung bình 20 tuần gần nhất. Diễn biến này cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường tiến gần ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm. Áp lực điều chỉnh đã tăng ở nhiều mã với thanh khoản gia tăng trên mức trung bình ở phiên cuối tuần, trước khi T2 bắt đầu áp dụng từ 29/8.
Nếu nhìn về góc nhìn kỹ thuật, VN-index chưa vượt hẳn khỏi vùng 1.260-1.285, có sự phân hóa mạnh ở vùng kháng cự với quá trình rung lắc liên tục sẽ xảy ra để hấp thu áp lực cung vùng giá cao, cũng như thu hút lực cầu mới đối với các mã, nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt. Phù hợp với động thái tái cơ cấu danh mục của các nhà đầu tư, chuyên gia SHS nhận định.
Do đó, trong kịch bản tích cực, VN-index có thể tiếp tục tăng điểm trong tuần giao dịch tiếp theo để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên, nếu áp lực bán gia tăng trong tuần tới thì chỉ số này có thể sẽ có sự rung lắc và giằng co ở vùng giá hiện tại do chỉ báo động lượng RSI (14 phiên) đang tiến gần đến vùng quá mua (>70).
Biên độ của đợt giằng co này SHS ước tính có thể trong khoảng 1.140 – 1.300 điểm và quá trình này có thể kéo dài cho đến hết năm nay.
Về thông tin thế giới đáng chú ý, Chủ tịch Fed Jerome Powell thể hiện quyết tâm nâng lãi suất cho tới khi lạm phát giảm đáng kể trong ngày 25/08 đã khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ giảm hơn 3% trong ngày thứ 6 tuần trước.
“Chúng tôi dự định thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức đủ để đưa lạm phát trở lại 2%”, Chủ tịch Powell nói.
Nội dung của bài phát biểu cho thấy Fed sẽ mạnh tay hơn trong việc gia tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới. Lịch sử đã đưa ra nhiều cảnh báo về việc nới lỏng chính sách quá sớm làm lạm phát gia tăng đáng kể sau đó, dẫn đến cuộc suy thoái kéo dài hơn 10 năm.
Chủ tịch Powell nhấn mạnh lại quyết tâm nâng lãi suất để kéo giảm lạm phát và có thể duy trì lãi suất ở mức cao trong một khoảng thời gian.
Như vậy, với các phát biểu này, khó có thể xác định thời điểm Fed sẽ dừng việc tăng lãi suất và quay lại với chính sách nới lỏng – không giống với các kì vọng của nhiều tổ chức cho rằn Fed sẽ quay lại chính sách bình thường và giảm lãi suất trong nửa đầu đầu năm 2023.
21/9 là mốc thời gian cả thế giới theo dõi và dường như, Powell sẽ hành động cứng rắn và tập trung cao độ để kiểm soát lạm phát, thay vì cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định giá cả. Đáng chú ý, một số giá cả hàng hóa đang có tín hiệu tăng trở lại, nhất là tại EU – càng làm dấy lên lo ngại lạm phát có thể sẽ lại quay lại mạnh hơn.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo của các ngân hàng trung ương (NHTW) hàng đầu trên thế giới phát đi thông điệp cứng rắn và đồng nhất về cuộc chiến chống lạm phát, bởi nếu không kiểm soát được lạm phát sẽ phải trả giá còn đắt hơn.
Theo đó, đây là biến số ảnh hưởng tới thị trường trong nước mà các nhà đầu tư trong nước cũng đang hồi hộp quan sát.
Để lại một phản hồi