Khi nước nghèo “đòi nợ” nước giàu

Căng thẳng đang tích tụ trước thềm thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm nay (COP27), khi các nước dễ bị tổn thương tăng cường yêu cầu các nước giàu bồi thường cho những thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu.

Dự kiến các nhà ngoại giao từ gần 200 quốc gia sẽ tập trung tại Sharm El Sheikh, thành phố nghỉ dưỡng ven biển của Ai Cập, vào ngày 7-11 tới để bàn cách cắt giảm phát thải CO2 và thích ứng với những ảnh hưởng hiện có của biến đổi khí hậu, bao gồm nắng nóng chết người, cháy rừng, nước biển dâng và hạn hán.

Một vấn đề khác nhiều khả năng sẽ chiếm lĩnh các cuộc đối thoại, đó là “mất mát và thiệt hại”, hay nói cụ thể hơn là nhà cửa, hạ tầng và đời sống tại những nước nghèo nhất thế giới bị tàn phá do những thảm họa liên quan đến khí hậu. Nghịch lý là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất này lại góp phần ít nhất dẫn đến tình trạng ấm lên toàn cầu.

Theo Liên Hiệp Quốc, 46 nước kém phát triển nhất thế giới (chiếm 14% dân số toàn cầu) chỉ chịu trách nhiệm cho 1% lượng khí CO2 mà toàn thế giới thải ra hằng năm do đốt nhiên liệu hóa thạch.

 Khi nước nghèo đòi nợ nước giàu - Ảnh 1.

Các tấm pin năng lượng mặt trời trên nóc một khách sạn ở thị trấn Sharm el-Sheikh của Ai Cập Ảnh: REUTERS

Thiệt hại liên quan đến khí hậu hiển hiện rõ nét trong những tuần gần đây, từ cháy rừng khốc liệt ở Morocco, Hy Lạp, Canada, Mỹ… đến hạn hán dữ dội ở Ý, Pháp… và lũ lụt kinh hoàng ở Gambia, Trung Quốc…

Theo Reuters, các nước giàu chưa cam kết khoản hỗ trợ 100 tỉ USD để giúp các nước nghèo giảm phát thải cũng như chuẩn bị cho biến đổi khí hậu. Các khoản “bồi thường mất mát và thiệt hại” dự kiến cộng dồn vào mức 100 tỉ USD nêu trên. Một số nghiên cứu cho rằng thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể lên tới 580 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030.

Reuters dự báo COP27 sẽ không dễ dàng, bởi các nước giàu đang rất nặng gánh vì giá năng lượng tăng cao, khó khăn kinh tế liên quan đến xung đột Nga – Ukraine và nỗ lực phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Tại COP26, các nhà thương thuyết đã đồng ý khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm về vấn đề “mất mát và thiệt hại” nhưng chưa lập bất cứ quỹ thực tế nào.

“Tuyết máu” – tín hiệu đáng ngại của biến đổi khí hậu

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*