Đây là ý kiến được các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 chủ đề “Khơi thông làn sóng đầu tư mới”, do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức.
70 – 80% FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung tại khu công nghiệp
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút hơn 15,54 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới; vốn giải ngân đạt trên 11,57 tỷ USD tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Trong đó, các khu kinh tế, khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Hiện cả nước có 564 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 211.700 ha, trong đó có 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại sự kiện |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án FDI còn hiệu lực. Riêng tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD.
Những năm gần đây, trung bình hằng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35% – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. “Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 – 80% tổng vốn đăng ký cả nước”, Thứ trưởng Phương thông tin.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP… Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đầu tư đa ngành, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá), vốn giải ngân FDI trong 7 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ phản ánh nhu cầu tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động của các dự án hiện hữu vẫn tiếp tục tăng bất chấp tác động của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp FDI đang phục hồi và dần mở rộng dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Việt Nam tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng. Một số tập đoàn lớn đã thực hiện quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam như Apple, Dell, Foxconn, Pegatron…”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Không nên chỉ nhìn màu hồng cơ hội thu hút đầu tư
Bên cạnh cơ hội, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp hiện nay đối diện những thách thức, bao gồm: Thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài tăng thêm chi phí và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư; việc giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp mới thành lập còn nhiều vướng mắc, kéo dài; các vấn đề về thực thi pháp luật, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, hoàn thuế với doanh nghiệp chế xuất; vấn đề thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Trung bình hằng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35% – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước |
Bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn thuế và pháp lý tại Việt Nam, phân tích theo quan sát của bà tại nhiều hội nghị về xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh phải đổi mới tư duy và hành động để xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng, công bằng, đồng hành thực chất, hiệu quả với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn và hỗ trợ đúng quy định của pháp luật.
Theo bà, nếu hiểu rằng việc “làm tổ đón đại bàng” là việc cải thiện môi trường đầu kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thì các khu công nghiệp chính là những bến đỗ, những chiếc “tổ” hữu hình đối với mỗi nhà đầu tư. Chính vì vậy, muốn khai thông dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những mắt xích quan trọng này, và nhất thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.
Do đó, để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng như các cơ quan chính quyền địa phương cần hỗ trợ các chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Mối quan hệ ba bên Nhà đầu tư – Chủ đầu tư khu công nghiệp – Chính phủ mang tính tương hỗ mật thiết và cần được quan tâm thường xuyên để duy trì sức hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư tại địa bàn các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan đến nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Thuế, và nhiều luật khác. “Vì vậy, Chính phủ nên xem xét và có sự tích hợp đồng bộ giữa các luật để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bao gồm cả các chính sách về thuế để tháo gỡ các vướng mắc cho cả chủ đầu tư khu công nghiệp và bản thân các doanh nghiệp đầu tư trong đó”, bà Hương Vũ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG nhận định dù kinh tế khó khăn nhưng mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam vẫn tốt và thậm chí có phần tăng lên. Nhưng nếu gọi đây là cơ hội vàng thì ông vẫn có sự cẩn trọng.
“Khi kinh tế đi vào suy thoái từ năm 2023 tại Mỹ, EU sẽ ảnh hưởng đến làn sóng đầu tư. Chưa kể giờ cạnh tranh thu hút vốn FDI không chỉ giữa các nước đang phát triển mà phải cạnh tranh với Mỹ, EU khi các nước này chủ trương thu hút vốn FDI về thị trường nội địa”, ông Ái nói và cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nước Bắc Á và Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Do đó, trong giai đoạn này, ông Ái cho rằng nên tập trung chất lượng đầu tư, thân thiện môi trường, đầu tư công nghệ cao và không nhất thiết là nhà đầu tư rất lớn mà có thể là nhà đầu tư châu Á.
Tương tự, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh không nên chỉ nhìn màu hồng cơ hội thu hút đầu tư. “Cái gì cũng có mặt trái của nó. Chúng ta cũng cùng chia sẻ cùng cạnh tranh thu hút đầu tư của các nước phát triển, đó là quy định sớm muộn. Bởi lẽ, các nước phát triển muốn thu hút đầu tư vì muốn giảm thiểu rủi ro do quá bị động phụ thuộc vào các thị trường bất ổn”.
Ông Tuấn cho rằng việc tăng cường thu hút từ các nước phát triển là đúng, nhưng cần đảm bảo để các nước phát triển tránh cảm giác thiệt thòi khi hợp tác với chúng ta. Một trong các điểm nhấn là phát triển công nghiệp phụ trợ, phải tạo ra hệ sinh thái để các nhà đầu tư vào Việt Nam không quan tâm việc gì khác, chỉ tập trung đầu tư. Việt Nam như một “resort” đủ tiện nghi, tiện ích cho nhà đầu tư. “Như vậy, dù giá có cao, họ vẫn chấp nhận ở lại Việt Nam”.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Phương cho hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng hành cùng với nhà đầu tư để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng minh bạch, thuận lợi.
Để lại một phản hồi