Lý do Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi

Ngay sau chuyến thăm Đài Loan gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, quân đội Trung Quốc từ ngày 4 đến 7/8 mở loạt cuộc tập trận với quy mô chưa từng có quanh hòn đảo.

6 khu vực tập trận nằm ở mọi mặt quanh đảo Đài Loan, có sự tham gia của các lực lượng tên lửa, hải quân và không quân. Một trong 6 khu vực diễn tập nằm cách thành phố Cao Hùng ở phía nam hòn đảo chưa đến 20 km. Giới phân tích đánh giá đợt tập trận này là phản ứng quyết liệt hơn rất nhiều của Trung Quốc so với chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich tới Đài Loan năm 1997, khi Bắc Kinh gần như không có động thái quân sự nào.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp nhau tại Đài Bắc ngày 3/8. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp nhau tại Đài Bắc ngày 3/8. Ảnh: Reuters.

Theo chuyên gia chính trị quốc tế Nguyễn Thành Trung, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, phản ứng nhẹ nhàng của Trung Quốc năm 1997 là do nước này khi đó đang từng bước cải thiện hợp tác với phương Tây và hội nhập kinh tế thế giới. Bắc Kinh mong muốn được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm mở cửa kinh tế và tận dụng đòn bẩy phát triển từ thị trường phương Tây nhiều hơn.

Sau khi trở thành thành viên WTO, Trung Quốc đã gặt hái rất nhiều thành quả từ quá trình này và trở thành nền kinh tế số hai thế giới.

“Thế và lực của Trung Quốc hiện nay rất khác so với 25 năm trước”, ông Trung nói với VnExpress. “Họ không muốn Mỹ và phương Tây can dự vào vấn đề Đài Loan như trước kia, khi họ chưa đủ nguồn lực lẫn vị thế”.

Theo ông Trung, Trung Quốc giờ đây muốn phương Tây nhìn nhận mình là một siêu cường và muốn được tôn trọng. “Một siêu cường không thể chấp nhận Mỹ và phương Tây can dự vào vấn đề Đài Loan”, chuyên gia này nói, nêu lý do Trung Quốc phản ứng quyết liệt bằng đợt tập trận quân sự với chuyến thăm của bà Pelosi.

Trung Quốc đã phóng 11 tên lửa đạn đạo Đông Phong, trong đó một số quả bay qua đảo Đài Loan, rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết máy bay và tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận đã nhiều lần vượt đường trung tuyến trên eo biển trong thời gian ngắn.

Đường bay của tên lửa Trung Quốc trong cuộc diễn tập ngày 4/8. Đồ họa: NY Times.

Đường bay qua đảo Đài Loan của tên lửa Trung Quốc trong cuộc tập trận ngày 4/8. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Yun Sun, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Stimson tại Mỹ, cho rằng đây là một động thái “giữ thể diện” của Bắc Kinh sau những tuyên bố cứng rắn nhằm ngăn bà Pelosi thăm Đài Loan.

Hôm 27/7, sau khi có thông tin bà Pelosi sẽ tới Đài Loan, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố quân đội nước này “chắc chắn hành động mạnh mẽ để đập tan mọi can thiệp từ thế lực bên ngoài”. Một tuần trước ngày bà Pelosi đến Đài Bắc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo Tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm rằng Mỹ có thể “bị bỏng nếu đùa với lửa”, dù không nhắc tới chuyến thăm của bà Pelosi.

Theo chuyên gia Yun Sun, khi đưa ra những cảnh báo cứng rắn như vậy, Trung Quốc dường như muốn phát thông điệp răn đe đủ sức nặng để buộc bà Pelosi hủy kế hoạch thăm Đài Loan.

Nhưng chuyến thăm của bà Pelosi vẫn diễn ra như dự tính. “Điều này trái với dự tính của Trung Quốc, khiến họ không thể hành động như cảnh báo và phải tìm cách thể hiện hình ảnh cứng rắn sau đó”, Yun Sun nhận định.

Carl Schuster, cựu giám đốc trung tâm Tình báo của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, đánh giá đây là đợt tập trận với quy mô lớn nhất từ trước đến nay quanh đảo Đài Loan. Quân đội Trung Quốc dường như muốn phát đi thông điệp rằng họ có thể phong tỏa vùng trời và vùng biển của hòn đảo bất kỳ lúc nào cần thiết.

Trung Quốc phóng tên lửa trong diễn tập quanh đảo Đài Loan

Trung Quốc phóng tên lửa trong diễn tập quanh đảo Đài Loan

Tên lửa Trung Quốc rời bệ phóng trong cuộc diễn tập ngày 4/8. Video: PLA.

Chong Ja Ian, chuyên gia của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Bắc Kinh thực chất không muốn tình hình leo thang vượt tầm kiểm soát, nhưng họ không thể chấp nhận thể hiện phản ứng dè dặt với chuyến thăm của bà Pelosi, điều mà họ cho là “thách thức chủ quyền” của Trung Quốc.

Theo chuyên gia Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh Chương trình An ninh hàng hải thuộc Đại học New South Wales của Australia, nếu Trung Quốc không đưa phản ứng đủ mạnh với chuyến thăm của bà Pelosi, hình ảnh của họ sẽ bị tổn hại, đặc biệt là khi vấn đề này đang rất thu hút sự chú ý của dư luận trong nước.

Tuy nhiên, ông cho rằng do bản chất của phản ứng quân sự của Trung Quốc là nhằm gửi thông điệp, căng thẳng trên eo biển Đài Loan sẽ không vượt tầm kiểm soát. Ông dự báo các bên sẽ hạ nhiệt căng thẳng sau khi đợt tập trận kết thúc.

“Trung Quốc đang cảnh báo bất kỳ chuyến thăm cấp cao nào khác đến Đài Loan trong tương lai, đặc biệt từ một nước phương Tây, sẽ khiến họ phản ứng quyết liệt hơn nữa. Mức độ phản ứng của Trung Quốc sẽ tỷ lệ thuận với sức mạnh quốc gia, khi họ tiến gần hơn những mục tiêu về kinh tế, công nghệ và quân sự của mình”, chuyên gia Nguyễn Thành Trung nhận định.

Dù hệ lụy an ninh từ chuyến thăm của bà Pelosi chưa nghiêm trọng như những tuyên bố cứng rắn mà giới chức Trung Quốc đưa ra trước đây, điều khiến giới quan sát lo ngại là Bắc Kinh không thể hiện rõ giới hạn leo thang thang căng thẳng trong sự việc lần này.

Trực thăng quân sự Trung Quốc bay ngang đảo Bình Đàm, ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, sáng 4/8, vài tiếng trước khi nước này khởi động đợt tập trận quanh đảo Đài Loan. Ảnh: AFP.

Trực thăng quân sự Trung Quốc bay ngang đảo Bình Đàm, ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, sáng 4/8, vài tiếng trước khi nước này khởi động đợt tập trận quanh đảo Đài Loan. Ảnh: AFP.

Chuyên gia Thế Phương nhận định quy mô chưa từng có tiền lệ của đợt tập trận này có thể là lời cảnh báo trước tương lai của vấn đề Đài Loan, vốn là một trong những thách thức lớn nhất trong quan hệ Mỹ – Trung. Hai siêu cường trong những năm qua đều có động lực phản ứng quyết liệt hơn trong vấn đề này.

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc xác định Đài Loan là vấn đề “lợi ích cốt lõi” nên không thể nhượng bộ. Trong khi đó, Mỹ từ cuối nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump đã xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, khiến chính sách “mơ hồ chiến lược” với Đài Loan được thể hiện bằng những hành động cụ thể hơn, mang tính thách thức hơn.

Michael Schuman, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc của Hội đồng Đại Tây Dương, có trụ sở ở Mỹ, cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi đã khoét sâu thêm nỗi lo ngại trong nhận thức chiến lược của Bắc Kinh về tương lai vấn đề Đài Loan.

“Giới hoạch định chính sách Trung Quốc có thể nhận thấy đe dọa là không đủ, khiến họ nôn nóng hơn trong vấn đề Đài Loan”, Schuman nói.

Chính sách “giữ nguyên hiện trạng” của chính quyền bà Thái Anh Văn cũng đi ngược lại với mục tiêu của Bắc Kinh, trong đó coi thu hồi hòn đảo, dù bằng biện pháp hòa bình hay vũ lực, chỉ là vấn đề thời gian.

Tình trạng ngày càng khó dung hòa trong lập trường giữa các bên có thể khiến vấn đề trở nên thách thức hơn, dù bà Thái trong tuyên bố với bà Pelosi ngày 3/8 nhấn mạnh Đài Loan “theo chủ nghĩa thực dụng” và không muốn xung đột nổ ra ở eo biển.

“Đợt tập trận cho thấy Trung Quốc tự tin hơn trước, đồng thời muốn gửi thông điệp cảnh báo tới Đài Loan”, chuyên gia Thế Phương đánh giá. “Nó thay lời nhắc nhở rằng Trung Quốc đủ khả năng làm điều họ muốn vào bất kỳ thời điểm nào, chỉ là kịch bản đó sẽ không diễn ra vào lúc này”.

Thanh Danh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*