Mariupol từ thiên đường thành đổ nát

Là một hướng dẫn viên du lịch, Maryna Holovnova, 28 tuổi, thường bắt đầu ngày mới bằng cách chạy bộ và bơi ở biển Azov lúc bình minh. Sau đó, cô bắt xe buýt vào thành phố và ngồi uống cà phê buổi sáng trên băng ghế yêu thích tại một con hẻm đầy cây dẻ ở trung tâm Mariupol, thành phố ở đông nam Ukraine.

Cuối tuần, cô đạp xe trên những con đường mới làm, dẫn tới làng chài xa xôi để cắm trại, đi qua những cánh đồng hoa hướng dương bát ngát.

Vài năm gần đây, thành phố của Maryna đã trở thành thiên đường với nhiều du khách. Mariupol là một trung tâm công nghiệp với các nhà máy thép khổng lồ và một cảng biển lớn, nhưng cũng có những bãi biển tuyệt đẹp. Những quán bar, tiệm kem bắt mắt tại các cầu cảng mới xây dựng, sáng lung linh trong những buổi tối mùa hè.

Mariupol là thành phố của những sự đối lập. Vào mùa đông, Mariupol trở nên ảm đạm, lẫn giữa màn sương mù hòa cùng khói từ các nhà máy thép. Các khu nghỉ mát cũng vắng bóng khách.

“Một trong những địa điểm yêu thích của tôi ở thành phố này là nơi mà tôi có thể ngắm nhìn toàn bộ nhà máy thép Azovstal”, Maryna nói.

Azovstal, cùng với nhà máy luyện kim Illich, là nền tảng của kinh tế thành phố, nơi sử dụng khoảng 40.000 lao động. Maryna nói cô thường đi qua nhà máy trên đường tới chỗ làm mỗi ngày và chưa lần nào cảm thấy hết ngạc nhiên với quy mô của nó.

Maryna đứng trong một tòa tháp ở Mariupol, Ukraine hồi đầu năm nay. Ảnh: Al Jazeera.

Maryna đứng trong một tòa tháp ở Mariupol, Ukraine hồi đầu năm nay. Ảnh: Al Jazeera.

Maryna có tuổi thơ hạnh phúc ở Mariupol. Năm 2010, cô tới Kiev học tập và phát triển sự nghiệp, khi cơ hội việc làm ở Mariupol khá hạn chế.

Khi cô trở về năm 2020, Mariupol từ một thành phố công nghiệp bị cho là ô nhiễm đã lột xác thành một nơi phát triển và hiện đại hơn rất nhiều. Đó là một “thế giới hoàn toàn khác” với trước đây, sau một loạt cải cách và đầu tư, Maryna nói.

Mariupol giờ có những con đường mới dành cho xe đạp, câu lạc bộ thể thao, nhà hát, lễ hội văn hóa hàng năm. “Bạn không có thời gian để cảm thấy buồn chán ở đây”, cô nói.

Du lịch trong nước và quốc tế đã tăng đáng kể ở Mariupol trong những năm gần đây và hội đồng thành phố ước tính sẽ đón khoảng 600.000 du khách mỗi năm vào năm 2026.

Mariupol từng bị lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát một thời gian ngắn vào năm 2014, khi xung đột bùng lên ở miền đông. Trải qua 8 năm giao tranh với phe ly khai, thành phố đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố, biến đây thành một trong những địa điểm được bảo vệ tốt nhất ở Ukraine.

Valeriy Averyanov, một doanh nhân địa phương 44 tuổi và là người điều hành một tổ chức dân sự hỗ trợ lực lượng phòng vệ lãnh thổ, cũng lạc quan về khả năng tự vệ của Mariupol. Ông hồi tháng 1 dự đoán căng thẳng với Nga sẽ gia tăng trong những tháng sau đó, nhưng cảm thấy thoải mái khi thành phố đã có thêm lữ đoàn pháo binh mới, sư đoàn hải quân, các khẩu đội hỏa tiễn và quân số được tăng cường.

Khi có thông tin Anh đã chuyển nhiều vũ khí chống tăng cho Ukraine, Averyanov thậm chí tuyên bố Mariupol đã trở thành “pháo đài bất khả xâm phạm”.

Hồi đầu tháng 2, bất chấp nỗi lo lắng về một chiến dịch quân sự quy mô lớn của Nga, Maryna vẫn tự tin rằng thành phố của cô có thể đứng vững. Ngày 23/2, cô trở về Kiev sau một chuyến đi nước ngoài và bắt chuyến tàu đêm về thành phố Mariupol. Và nó đã trở thành chuyến tàu cuối cùng vào Mariupol, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào rạng sáng 24/2.

Maryna nhớ khi cô thức giấc, tàu dừng cách thành phố 100 km và nhìn thấy các đoàn xe tăng ầm ầm đi qua. Sau 5 giờ tạm dừng, đoàn tàu tiếp tục di chuyển về phía Mariupol.

Thời điểm đó, Mariupol được xem là thành phố an toàn nhất và được chuẩn bị tốt nhất cho cuộc chiến. Khi đoàn tàu chạy qua nhà máy Azovstal vào nhà ga trung tâm, Maryna nhớ lại “tất cả chúng tôi đều chắc chắn bây giờ mình đang ở một nơi an toàn, nhưng chúng tôi đã sai”.

Một người phụ nữ tắm ở bãi biển nông nổi tiếng ở Biển Azov, Mariupol hồi tháng 7/2021. Ảnh: Al Jazeera.

Một người phụ nữ tắm ở bãi biển ven thành phố Mariupol hồi tháng 7/2021. Ảnh: Al Jazeera.

Khi trở về căn hộ của bố mẹ, nơi cô đã sống từ khi 2 tuổi, Maryna nhận ra thành phố của cô đã trở thành một chiến trường chỉ sau một đêm. Cô nghe thấy ngày càng nhiều tiếng nổ khi lực lượng Nga áp sát thành phố. Một ngày sau, máy bay Nga ném bom ngôi trường cũ của cô, nằm cách nhà khoảng 300 mét.

“Sau 3-4 ngày, cả thành phố bị bao vây”, cô kể. Những cuộc không kích, pháo kích liên tục vào cơ sở hạ tầng của thành phố khiến nguồn điện, nước và khí đốt bị cắt.

Maryna nhớ cái lạnh nhanh chóng len lỏi vào những căn nhà không có khí đốt và điện để sưởi ấm. Bếp củi được đốt giữa sân để nấu thức ăn và nước nóng. “Nhiệt độ bên ngoài lúc nào cũng -10 độ C”, cô nói.

Các cuộc tấn công của Nga cũng phá hủy trạm tín hiệu di động, khiến cư dân Mariupol hoàn toàn không biết gì về tình hình bên ngoài thành phố. “Chúng tôi bị ngắt kết nối với phần còn lại của đất nước”, cô nói.

Còi báo động không kích dần trở nên quen thuộc với người dân trên khắp Ukraine. Tuy nhiên, vì mất điện, còi báo động ở thành phố Mariupol gần như tê liệt. “Chúng tôi chỉ biết có máy bay ném bom khi nghe thấy tiếng gầm của nó”, Maryna cho hay.

Dù được mô tả như pháo đài kiên cố, Mariupol không có đủ hầm trú bom cho người dân. Maryna và bố mẹ ban đầu quyết định ở lại căn hộ tầng hai, bất chấp những cuộc pháo kích dữ dội. Cô kể có những ngày lực lượng Nga ném bom 60 lần.

“Chúng tôi chỉ biết hy vọng bom sẽ không rơi trúng tòa nhà mình”, cô nói.

Sau vài ngày, cường độ ném bom quanh căn hộ của gia đình Maryna tăng lên, nên họ quyết định chuyển tới căn hộ tầng 4 bỏ trống của một đồng nghiệp. Ban ngày, họ thường di chuyển tới nhà hát kịch gần đó, nơi đã trở thành chỗ trú ẩn và trung tâm thông tin cho cư dân. Cô kể cảnh sát và binh lính từ tiền tuyến sẽ tới thăm nhà hát và thông báo cho họ biết những gì đang xảy ra trên khắp đất nước.

Trong ba tuần, những người ở lại thành phố phải đối mặt với vòng vây ngày càng siết chặt và các cuộc tấn công không ngừng. Họ phải tìm mọi cách để sống sót, tìm kiếm nước uống, thu thập thông tin để đến các hành lang an toàn.

Ngày 16/3 đánh dấu một bước ngoặt với gia đình Maryna. Giống nhiều ngày khác, họ tới nhà hát kịch để gặp bạn bè. 30 phút sau khi họ rời đi, bom rơi xuống nhà hát. “Chúng tôi chỉ đứng cách đó vài trăm mét”, cô kể.

Số thương vong thực tế trong vụ đánh bom nhà hát không được cung cấp, nhưng chính phủ Ukraine ban đầu ước tính khoảng 300 người đã chết. Hãng tin AP sau đó đưa tin con số này lên tới 600 người.

Maryna và bố mẹ đã gặp một doanh nhân từ Kiev vào những ngày đầu cuộc chiến, người có căn hộ đang thuê bị trúng tên lửa. Anh đã đề nghị cho họ đi cùng xe ngay khi hành lang nhân đạo được mở. Gia đình Maryna đã mời anh sống cùng trong căn hộ của họ và anh đã ở lại 3 tuần trong lúc chờ đợi.

Cuối cùng, vào ngày nhà hát bị không kích, một hành lang nhân đạo được mở ra giữa Mariupol và Zaporizhzhia, thành phố ở đông nam do lực lượng Ukraine kiểm soát. Bốn người rời Mariupol và sau đó cho thêm hai mẹ con gặp trên đường đi cùng.

“Mọi thứ rất nguy hiểm và nhiều người sơ tán đã thiệt mạng trên đường tới Zaporizhzhia”, cô kể, nhưng tất cả đều quyết tâm thoát khỏi nơi mà họ xem như “địa ngục trần gian”.

Maryna cho biết họ mất 27 tiếng để đi quãng đường 250 km. Họ qua 15 trạm kiểm soát của Nga, nơi điện thoại, ảnh, hộ chiếu bị kiểm tra.

Trước khi sơ tán, Maryna đã cố duy trì tinh thần lạc quan cho cả nhà, nhưng sau khi chứng kiến những nỗi kinh hoàng, cô trở nên nhạy cảm. “Hôm đó là lần đầu tiên tôi khóc kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Tôi thấy rõ thành phố của mình sắp chết dần và thấy bản thân vô dụng. Tôi thấy như mình đang rời bỏ Mariupol mãi mãi”, cô chia sẻ.

Liên Hợp Quốc cho biết 90% các tòa nhà ở Mariupol đã bị phá hủy kể từ cuối tháng 2.

Một đội cứu hộ khiêng một thai phụ băng qua một khu nhà đổ nát vì pháo kích ở Mariupol hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Nhân viên cứu hộ khiêng một thai phụ băng qua một khu bệnh viện đổ nát vì không kích ở Mariupol hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Kể từ khi rời quê hương, Maryna đã luôn theo dõi các hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội về quê hương. Căn hộ của gia đình cô đã bị phá hủy sau trận pháo kích ngày 26/3. Ngôi nhà, thành phố và những ký ức hạnh phúc ở Mariupol giờ đây đã thành tro bụi.

Maryna không muốn thành phố của cô được nhớ đến với với những đống đổ nát. “Bây giờ cả thế giới nói về Mariupol, nhưng rất ít người nhớ tới những bãi biển ấm áp, lễ hội, đồ ăn ngon và những con người xuất sắc sinh ra ở đó”, cô nói.

Chỉ còn vài chục nghìn trong số 430.000 cư dân còn ở lại Mariupol. Lực lượng Nga đã kiểm soát hoàn toàn Mariupol sau hơn 80 ngày bao vây nhà máy thép Azovstal. Nỗ lực kháng cự của Mariupol kết thúc hồi cuối tháng 5, khi những người lính dưới hầm ngầm nhà máy đầu hàng.

Dù cuộc sống ở Edmonton, Canada hiện tại khá thoải mái, Maryna vẫn cảm thấy áp lực khi phải ở nhờ nhà một người khác. Cô đã tìm được công việc mới và dự kiến sớm chuyển tới nơi ở riêng. Bố cô, người dưới 60 tuổi, không thể rời Ukraine theo luật thời chiến của chính phủ, nên đã cùng mẹ cô chuyển tới sống ở miền tây đất nước.

“Tôi tin chúng tôi sẽ thắng và Mariupol sẽ được xây dựng lại”, Maryna nói và cho biết cô vẫn giữ chìa khóa căn hộ ở quê nhà. “Tôi giữ nó lại như một biểu tượng của hy vọng rằng một ngày nào đó, tôi sẽ trở về Mariupol”.

Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)

  • Tính toán sau sắc lệnh tăng quân của ông Putin
  • Cán cân sức mạnh Nga – Ukraine sau 6 tháng xung đột
  • Buồn vui trên chuyến tàu đưa người Ukraine hồi hương
  • Cảm xúc lẫn lộn của người Nga sau 6 tháng chiến sự Ukraine
  • Nga lộ điểm yếu ở ‘pháo đài’ Crimea

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*