“Chúng tôi có thể tắt lò, nhưng không thể tắt được cái chết”, Svend-Joerk Sobolewski, chủ tịch hiệp hội hỏa táng của Đức, bày tỏ nỗi lo âu trước nguy cơ tập đoàn Gazprom của Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới nước này.
Các doanh nghiệp Đức, trong đó có dịch vụ hỏa táng, đang lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp với tình trạng giá khí đốt leo thang, cũng như nguy cơ nguồn cung cạn kiệt hoàn toàn trong thời gian tới.
Sobolewski cho rằng các lò hỏa táng nên được ưu tiên trong trường hợp Đức phải phân bổ khí đốt theo định mức, do hầu hết các lò hỏa táng không thể hoạt động nếu thiếu nguồn năng lượng này.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Tang lễ Liên bang Đức, trong số khoảng một triệu người qua đời hàng năm ở nước này, 3/4 được hỏa táng, tỷ lệ cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác.
Điều này xuất phát từ truyền thống ở vùng Đông Đức trước đây, nơi hầu hết người qua đời đều được hỏa táng, theo Stephan Neuser, lãnh đạo hiệp hội. Hình thức hỏa táng tiếp tục được phổ biến khi nhiều gia đình chuyển chỗ ở, thế hệ lớn tuổi cũng cảm thấy phương án này tiện cho việc thăm viếng hơn so với chôn cất ở nghĩa trang.
Về lâu dài, các lò hỏa táng Đức có thể chuyển đổi từ sử dụng khí đốt sang điện, song ông Neuser nói rằng điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều.
Trước mắt, để đáp ứng mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt, các lò hỏa táng ở Đức có thể giảm nhiệt độ trung bình của lò từ 850 độ C hiện nay xuống 750 độ C. Biện pháp này giúp tiết kiệm 10-20% lượng khí đốt sử dụng, song cần có giấy phép đặc biệt từ các cơ quan có thẩm quyền của từng bang.
Các cơ sở này cũng đang tắt một số lò, để những lò khác hoạt động liên tục, nhằm tiết kiệm lượng khí đốt để làm nóng lò ban đầu. “Trong trường hợp nguồn cung khí đốt bị cắt, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục sử dụng các lò còn nóng”, Karl-Heinz Koensgen, quản lý một cơ sở hỏa táng ở Dachsenhausen, miền tây nước Đức, nói.
Sobolewski cho biết biện pháp này có thể giúp giảm tới 80% lượng khí đốt tiêu thụ, song nhu cầu hỏa táng không phải nơi nào cũng cao, nên cần sự phối hợp giữa các cơ sở để mô hình này phát huy hiệu quả.
Đứcgiờ đây trở thành một trong những bên tiên phong trong “cuộc chiến khí đốt” với Nga. Không có nơi nào nỗi sợ về viễn cảnh Nga cắt hoàn toàn nguồn cung lớn hơn ở Đức, nơi tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất châu Âu.
Khoảng một nửa hộ gia đình ở Đức được sưởi ấm bằng khí đốt, trong khi ngành công nghiệp tiêu thụ 1/3 nguồn năng lượng này. Nếu mùa đông tới trở nên lạnh hơn, việc nguồn cung khí đốt bị cắt được dự báo sẽ gây tác động rất nghiêm trọng tới nền kinh tế và các hoạt động xã hội của Đức.
Đức Trung (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi