Ở phía tây bắc đất nước, hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa sau khi các con sông ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa vỡ bờ, gây ra lũ quét.
“Ngôi nhà mà chúng tôi xây dựng được từ nhiều năm tích cóp, làm việc chăm chỉ, đã bị chìm ngay trước mắt chúng tôi”, Junaid Khan, 23 tuổi, cho hay. “Chúng tôi ngồi bên đường và nhìn ngôi nhà mơ ước chìm dần”.
Tỉnh Sindh ở phía đông nam Pakistan cũng bị ảnh hưởng nặng nề, với hàng nghìn người phải sơ tán. Ông Sufi nhấn mạnh đất nước đang rất cần hỗ trợ từ các quốc gia khác.
“Pakistan đã phải vật lộn với các vấn đề kinh tế nhưng bây giờ, ngay khi chúng tôi chuẩn bị vượt qua chúng thì thảm họa gió mùa lại ập đến”, ông nói, thêm rằng nguồn vốn từ rất nhiều dự án phát triển đã được chuyển hướng để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.
Lũ lụt không phải hiện tượng hiếm ở Pakistan nhưng người dân ở tỉnh Sindh cho hay những trận mưa năm nay rất khác. Một quan chức địa phương mô tả lũ lụt giống như “đại hồng thủy trong kinh thánh”.
Gần thành phố Larkana, hàng nghìn ngôi nhà bằng bùn đã bị chìm dưới nước và những gì có thể nhìn thấy là các ngọn cây.
Tại một ngôi làng, người dân đang tuyệt vọng vì không đủ thực phẩm. Ở một số nơi, người dân cho biết họ có đủ ngũ cốc nhưng cần tiền để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu khác. Nhiều trẻ em đã mắc các bệnh lây truyền qua đường nước.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho hay 33 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi các trận lũ lụt, gần bằng 15% dân số đất nước. Thiệt hại do lũ năm nay tương đương với những trận lụt năm 2010 – 2011, được cho là tồi tệ nhất lịch sử nước này.
Giới chức Pakistan đổ lỗi cho tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, năng lực ứng phó và quản lý yếu kém của chính phủ cũng được cho là một phần nguyên nhân. Nhiều tòa nhà ở Pakistan được xây dựng ngay tại những khu vực dễ bị ngập lụt theo mùa.
Vũ Hoàng (Theo BBC)
Để lại một phản hồi