Tiềm năng tăng trưởng tới từ nhu cầu chuyển đổi số trên toàn cầu
Trích dự báo của IDC (hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin toàn cầu, ngành công nghệ thông tin đang trên đà vượt mức 5.300 tỷ USD vào năm 2022, mức tăng trưởng trung bình hàng năm 5% – 6%.
Trong đó, Mỹ là thị trường công nghệ lớn nhất thế giới, chiếm 33% tổng chi tiêu, tương đương khoảng 1.800 tỷ USD cho năm 2022. Chi tiêu dành cho chuyển đổi số – một trụ cột quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực CNTT được dự báo sẽ tăng trưởng 17,6% trong năm 2022, đạt 1.800 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng bền vững ở mức 16,6% CAGR trong ba năm tới.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDC) đánh giá ngành CNTT của Việt Nam hiện nay đang sở hữu những lợi thế cạnh tranh về con người khi tham gia thị trường toàn cầu.
Cụ thể, VDSC cho rằng nguồn nhân lực Việt Nam trẻ và có khả năng thích nghi nhanh với những công nghệ mới. Theo thống kê của HSBC, độ tuổi từ 20 – 29 chiếm tỷ trọng lên tới 51% tổng số lập trình viên tại Việt Nam. Đồng thời, chi phí phát triển phần mềm của lập trình viên tại Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác, chỉ khoảng 18 USD/giờ, bằng 64% tại các quốc gia Châu Á và 10% tại Mỹ.
Do đó, khách hàng tới từ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU và APAC đã chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho sự hợp tác phát triển công nghệ thông tin.
Hiện, hai tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam là FPT và CMG đã và đang khai phá những thị trường đầy tiềm năng trên thế giới. FPT thì khởi đầu tại thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU, APAC với dịch vụ gia công phần mềm và đã dịch chuyển dần sang lĩnh vực chuyển đổi số kế hợp tư vấn. Trong khi đó CMG đã có những khách hàng tại thị trường Nhật Bản, EU, APAC. Dự định trong năm 2022, CMG sẽ phát triển thị trường mới tại Singapore, mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VDSC vẫn lưu ý những biến động từ kinh tế vĩ mô thế giới có thể tác động tiêu cực tới triển vọng kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ VIệt Nam. Một trong số đó là tỷ giá JPY/VND khi Nhật Bản là thị trường lớn đối với nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm của Việt Nam. Do vậy, đồng Yên giảm giá sẽ có tác động tiêu cực khi chuyển doanh thu về Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá JPY/VND đã giảm 12,5%.
Ngoài ra, lạm phát tại Mỹ tăng nhanh kể từ tháng 2/2022, chỉ số CPI duy trì ở mức cao là 8,5% vào tháng 7/2022. VDSC lo ngại yếu tố lạm phát sẽ ảnh hưởng tới mức chi tiêu dành cho CNTT tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên đồng USD mạnh hơn có thể bù đắp lại ảnh hưởng này.
Xu hướng chuyển đổi số lan tỏa rộng khắp khu vực công và tư nhân tại Việt Nam
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, nhiều lĩnh vực thuộc khối nhà nước và tư nhân đã áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất và tối ưu quy trình làm việc. Chuyển đổi số đã đạt được những kết quả khả quan trong nửa đầu năm 2022 với việc đã có 52/63 địa phương công bố lựa chọn nền tảng số triển khai trong năm 2022. Nhiệm vụ của Chính phủ đặt ra 63/63 địa phương phải có ít nhất một nền tảng số trong năm 2022 .
Mục tiêu tới cuối năm Việt Nam sẽ có 70.000 doanh nghiệp chuyển đổi số, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ. Số lượng các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số tại Việt Nam lũy kế nửa đầu năm nay đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng 3.300 so với thời điểm đầu năm và hoàn thành 55% kế hoạch năm.
Theo công bố của Bộ kế hoạch và đầu tư vào tháng 3/2022, tổng số vốn đầu tư công thuộc NSNN cho lĩnh vực công nghệ giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 10.157 tỷ đổng (chiếm 0,35% tổng vốn đầu tư), trong đó 8.312 tỷ đồng dành cho trung ương và 1.845 tỷ đồng dành cho địa phương. Những tập đoàn lớn đang dẫn đầu thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam về tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực dồi dào như Viettel, VNPT, FPT, CMG sẽ có được nhiều dư địa để tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong dài hạn
Dựa vào nhu cầu và tốc độ chuyển đổi số Việt Nam, Fitch Solutions dự báo quy mô thị trường CNTT Việt Nam (bao gồm các hạng mục về thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm) sẽ đạt 208 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và 370 nghìn tỷ đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 15%.
“Sống khỏe” trong nửa đầu năm 2022
Nhìn lại nửa đầu năm 2022, nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông được cho vẫn “sống khỏe” cùng các kết quả kinh doanh công bố đầy tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp công nghệ trên sàn chứng khoán đều ghi nhận kết quả tăng trưởng dương. Lợi nhuận ròng thu về thậm chí còn tăng trưởng hàng chục phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tại CTCP Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT), lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT ghi nhận tổng doanh thu 19.826 tỷ đồng, tăng 22% so với nửa đầu năm ngoái. Riêng khối công nghệ mang về 11.252 tỷ đồng doanh thu với doanh thu chuyển đổi số trong nửa đầu năm đạt 3.484 tỷ đồng, tăng trưởng gần 65% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của FPT trong nửa đầu năm đạt 2.489 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán CMG), ban lãnh đạo cho biết nhờ khoản lãi từ dự án “Không gian sáng tạo CMC tại TP Hồ Chí Minh” mà doanh thu trong quý 2 năm nay tăng trưởng 31% so với cùng kỳ lên hơn 1.709 tỷ đồng. Khấu trừ đi các chi phí, CMG lãi sau thuế xấp xỉ 92 tỷ, tương ứng tăng trưởng 48% so với cùng kỳ năm 2021.
Để lại một phản hồi