Chính sách tiền tệ thắt chặt với 3 lần liên tiếp tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát khiến giá USD tăng mạnh.
Với nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu và dư nợ vay USD lớn, lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện cũng như lỗ từ đánh giá lại các khoản mục nợ gốc ngoại tệ kỳ này của Hòa Phát rất lớn, tăng 6,5 lần quý II/2021. Sau khi bù trừ lãi lỗ tỷ giá, Hòa Phát lỗ tỷ giá hơn 1.090 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ khoảng 58 tỷ đồng.
Tập đoàn Vingroup cũng lỗ tỷ giá hơn 1.000 tỷ trong quý 2, trái ngược với cùng kỳ lãi 36 tỷ đồng. Tính đến quý 2, Vingroup đang có nhiều khoản vay hợp vốn trả bằng USD với tổng giá trị khoảng 50.000 tỷ đồng, ngoài ra Vingroup còn có khoản vay trái phiếu hoán đổi trị giá 425 triệu USD.
Hoa Sen Group, Novaland, EVN Genco3, HAGL Agrico, Vietnam Airlines cũng phải gánh các khoản lỗ tỷ giá hàng trăm tỷ đồng. Bù trừ lãi lỗ tỷ giá, HAGL Agrico ghi nhận khoản lỗ tỷ giá hơn 300 tỷ đồng, nhưng tác động của chênh lệch tỷ giá còn ảnh hưởng lớn đến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Trên bảng cân đối kế toán của HAGL Agrico, khoản chênh lệch tỷ giá là âm 5.307 tỷ đồng, tăng 2.475 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm là nguyên nhân chính khiến VCSH của HAGL Agrico giảm từ 5.997 tỷ đồng xuống 2.852 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ACV và VGI lại lãi lớn với chênh lệch tỷ giá. Lãi sau thuế quý 2 của ACV là 2.598 tỷ đồng, bằng 7,7 lần cùng kỳ, lợi nhuận quý 2/2022 của ACV thậm chí còn cao hơn cả thời kỳ trước đại dịch là năm 2019 và lãi kỷ lục từ trước tới nay.
Nhìn vào cơ cấu các khoản vay của ACV, có thể thấy ACV toàn vay nợ bằng đồng Yên Nhật mà kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá JPY/VND giảm mạnh nên ACV được lợi tỷ giá khá lớn khi lãi tỷ giá 1.476 tỷ đồng. Nên dù doanh thu chưa phục hồi được về thời điểm trước đại dịch nhưng lợi nhuận sau thuế lại vượt trội.
VGI bên cạnh khoản lãi tỷ giá 352 tỷ trong kỳ này, do tỷ giá thuận lợi nên khoản đầu tư vào các công ty liên kết của công ty đã lãi 68 tỷ trong quý và 212 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó quý 2 năm 2021 VGI lỗ do đầu tư vào công ty liên kết 713 tỷ đồng và 6 tháng lỗ 1.821 tỷ đồng. Khoản lỗ này của VGI trong năm ngoái phát sinh chủ yếu từ Mytel do lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối kỳ.
https://babfx.com/ty-gia-tac-dong-den-doanh-nghiep-quy-2-nhieu-dn-lo-acv-vgi-lai-2022080712121701.chn
Để lại một phản hồi