“Ước tính đến nay hơn 25.000 quân nhân Nga thiệt mạng. Nếu tính số lượng quân nhân thiệt mạng, bị thương, bị bắt hoặc đào ngũ, con số lên tới 80.000 người”, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace nói trước các nghị sĩ tại Hạ viện Anh.
Ông Wallace cho rằng những tổn thất trên sẽ gây ra tác động lâu dài đến quân đội Nga và hiệu quả chiến đấu của lực lượng này trong tương lai. “Nga vẫn chưa đạt được bất cứ mục tiêu chiến lược nào. Chúng ta đang ở ngày thứ 194 của những gì từng được dự kiến là chiến dịch kéo dài một tháng”, ông Wallace nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin “vũ khí hóa năng lượng”, đồng thời kêu gọi các thành viên quốc hội Anh giải thích với các cử tri rằng “một số thời điểm vô cùng khó chịu chúng ta phải đối mặt là do Nga cố tình gây hại và tìm cách thử xem liệu chúng ta có hy sinh những giá trị của mình vì giá năng lượng hay không”.
Ông Wallace kêu gọi châu Âu đoàn kết vượt qua mùa đông. “Nếu không sát cánh cùng nhau, chúng ta không thể giải quyết những mối đe dọa đó ngay bây giờ và chúng sẽ không tự biến mất”, ông Wallace cho biết. “Chúng ta không nên quên rằng đây là cơ hội để đa dạng hóa nguồn cung của chúng ta và sẽ tốt hơn về lâu dài cho mọi người”.
Nga chưa bình luận về thông tin của Bộ trưởng Quốc phòng Anh.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm “phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine”. Sau hơn 6 tháng chiến sự, Nga tiếp tục tiến công ở miền đông Ukraine nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass. Trong khi đó, Ukraine mở đợt phản công lớn nhằm vào vị trí lực lượng Nga ở tỉnh miền nam Kherson.
Châu Âu đang đối mặt khủng hoảng năng lượng sau khi nguồn cung khí đốt từ Nga sang khu vực giảm đáng kể do các biện pháp đáp trả lẫn nhau giữa hai bên liên quan đến chiến sự tại Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung khí đốt làm vũ khí kinh tế gây sức ép với phương Tây. Nga bác bỏ điều này và tuyên bố sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ xuất khẩu khí đốt, song lệnh trừng phạt từ phương Tây đang cản trở quá trình bảo dưỡng và hoàn trả thiết bị như với các tuabin của Nord Stream 1, khiến họ dừng hoạt động vô thời hạn đường ống.
EU ngày 26/7 thông qua đề xuất tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023. Thỏa thuận có thể biến thành bắt buộc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng năng lượng thực sự vào mùa đông. Chính phủ một số quốc gia đã tính đến kịch bản xấu nhất là phải phân bổ năng lượng theo định mức.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)
Để lại một phản hồi