Việc bị hủy niêm yết khiến Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng gặp nhiều khó khăn trong kế hoạch đầu tư của đơn vị. Ảnh: Đức Thanh |
“Treo cổ phiếu” vì ý kiến ngoại trừ
Tính chất nghiêm trọng của vụ việc thể hiện rất rõ khi cả Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán PHP) và cổ đông đang nắm 92,56% vốn điều lệ tại đơn vị này là Tổng công Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC) cùng gửi văn bản khẩn tới Văn phòng Chính phủ xin hỗ trợ không hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu PHP.
Trong Văn bản số 1540/HHVN – TCKT được gửi đi vào ngày 26/8/2022, VIMC đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt phương án xử lý tài sản cầu bến số 4, số 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ như đề xuất của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vào tháng 10/2020, nhằm giúp Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng thực hiện được nghĩa vụ với Nhà nước, cũng như sớm quyết toán được phần vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, VIMC cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ hỗ trợ, có ý kiến gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc không hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu PHP của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng.
“VIMC và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cam kết tuân thủ nguyên tắc công khai, minh mạch tình hình tài chính của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán”, văn bản do ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC ký nêu rõ.
Trước đó, vào ngày 17/8/2022, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ra Thông báo số 2617/TB – SGDHN về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu PHP của Cảng Hải Phòng do không đáp ứng quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 120, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Hiện 326,96 triệu cổ phiếu PHP có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội kể từ ngày 31/8/2022. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu PHP tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là 30/8/2022.
Ngày 22/8/2022, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) có Văn bản số 9109/VSD – ĐK.NV thông báo chuyển dữ liệu đăng ký cổ phiếu của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng từ thị trường niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sang thị trường đăng ký giao dịch tại HNX (UPCoM) kể từ ngày 6/9/2022.
Nguyên nhân cổ phiếu PHP bị hủy niêm yết được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xác định là do Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng nhận ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán trong 3 năm liên tiếp (2019-2021), thuộc trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc theo quy định.
Cụ thể, trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, công ty kiểm toán độc lập cho biết, tại thời điểm 31/12/2021, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng ghi nhận tại chỉ tiêu “Tài sản cố định hữu hình” (mã số 221) trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ đối với các tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ với tổng nguyên giá là 279,7 tỷ đồng, giá trị còn lại là 149,7 tỷ đồng.
Nguồn vốn hình thành nên các tài sản này được ghi nhận tại chỉ tiêu “Vay và nợ thuê tài chính dài hạn” (mã số 338) trên Bảng cân đối kế toán với giá trị tương ứng là 342,1 tỷ đồng. Đây là các tài sản thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn II, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ.
Hiện Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đang trình các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án thuê khai thác các tài sản này. Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Công ty đã tạm nộp vào ngân sách nhà nước một số khoản có liên quan đến dự án nêu trên, bao gồm: khấu hao của các tài sản thuộc cầu cảng 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến ngày 31/12/2018 là 44,8 tỷ đồng, chi phí lãi vay ODA Nhật Bản tạm trích trước là 149,3 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CHP ngày 12/6/2020 của HĐQT, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã dừng trích khấu hao, dừng ghi nhận chi phí lãi vay kể từ ngày 1/1/2020 đối với các tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ để chờ được phê duyệt phương án quản lý chính thức đối với các tài sản này. Tuy nhiên, Công ty cũng chưa ghi nhận và phản ánh khoản chi phí thuê các tài sản nêu trên vào Báo cáo tài chính riêng.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán độc lập cho rằng, Bộ Tài chính cũng đang yêu cầu kiểm tra lại quá trình cổ phần hóa của Công ty (trong điều kiện hồ sơ quyết toán giá trị vốn nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa của Công ty chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Khi có sự phê duyệt chính thức của cơ quan quản lý về phương án vay, trả nợ, Công ty sẽ thực hiện các điều chỉnh cần thiết (nếu có) đối với Báo cáo tài chính riêng.
Điều đáng nói là, đơn vị kiểm toán độc lập không thu thập được các tài liệu cần thiết để có thể đánh giá được ảnh hưởng của toàn bộ các vấn đề nêu trên đến Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng.
Lỗi khách quan
Trong Văn bản số 1540, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh khẳng định, các tồn tại mà công ty kiểm toán độc lập nêu ra thuộc về yếu tố khách quan đối với VIMC và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng.
Ý kiến này là có cơ sở, bởi theo Bộ GTVT, các tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ được hình thành từ Dự án Cải tạo nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn II (từ năm 2000 đến năm 2011), sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Nhật Bản.
Sau khi công trình được hoàn thành, vào năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng tiếp tục quản lý khai thác cầu cảng số 4 Chùa Vẽ; đồng thời chỉ định công ty quản lý khai thác cả cầu cảng số 5 Chùa Vẽ, nhằm tạo điều kiện cho Cảng Hải Phòng thu hồi vốn đầu tư, hoàn trả số kinh phí đã vay từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Tiếp đó, lãnh đạo Chính phủ đồng ý cho phép Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đưa giá trị cầu cảng số 4 và 5 vào hạch toán tăng tài sản, làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (trước tháng 6/2014), Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đang ghi nhận tài sản theo giá tạm tính là 162 tỷ đồng. Về quyết toán dự án hoàn thành, Bộ GTVT đã có các quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp Cảng Hải Phòng, giai đoạn II. Theo đó, giá trị tài sản hình thành qua đầu tư đối với cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ là 342,11 tỷ đồng. Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng có trách nhiệm quyết toán vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bảo đảm phù hợp.
Tuy nhiên, do những vướng mắc về cơ sở pháp lý liên quan đến việc hạch toán tăng tài sản và xây dựng phương án trả nợ vay, lãi vay đối với giá trị các cầu cảng số 4, số 5 thuộc Bến cảng Chùa Vẽ – Cảng Hải Phòng vào tài sản nhà nước khi cổ phần hóa Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, nên đến tháng 10/2020, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ hướng xử lý mới.
Cụ thể, tại Công văn số 10855/BGTVT-KCHT, Bộ GTVT kiến nghị Nhà nước thu hồi lại quyết định cho phép tăng tài sản cầu cảng số 4, số 5 vào giá trị cổ phần hóa doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng (lấy lại 2 cầu cảng từ Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng). Tuy nhiên, đến thời điểm này, đề xuất nói trên vẫn chưa nhận được ý kiến của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Được biết, vào tháng 3/2022, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị có ý kiến báo cáo Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt phương án để đơn vị có thể thực hiện được nghĩa vụ với Nhà nước, cũng như sớm quyết toán được phần vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần; đồng thời cũng tránh cho Công ty tiếp tục bị đơn vị kiểm toán độc lập đưa ra các ý kiến ngoại trừ trong các báo cáo tài chính hợp nhất.
Theo ông Nguyễn Tường Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, việc cổ phiếu PHP bị hủy niêm yết đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, đầu tư của đơn vị.
Cụ thể, hiện nay, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đang triển khai Dự án đầu tư các bến cảng container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng theo Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.946,315 tỷ đồng, trong đó vốn tự có, tự bổ sung, tự huy động khoảng 3.125,842 tỷ đồng (chiếm 45% tổng vốn đầu tư) và vốn vay tín dụng khoảng 3.820,473 tỷ đồng (chiếm 55% tổng vốn đầu tư).
“Đây là dự án hết sức quan trọng đối với Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và VIMC. Dự án sau khi hoàn thành sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách của địa phương”, ông Nguyễn Tường Anh cho biết.
Để triển khai được Dự án đầu tư các bến cảng container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng phải huy động các nguồn lực tài chính từ bên ngoài với giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó việc tăng vốn điều lệ/phát hành chào bán riêng lẻ cho cổ đông chiến lược với giá trị trên 1.000 tỷ đồng.
“Với việc huy động nguồn vốn lớn từ bên ngoài, trường hợp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu PHP, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Dự án đầu tư các bến cảng container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt”, lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho biết.
Ngày 8/4/2014, HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng với số vốn điều lệ là 3.269,6 tỷ đồng.
Ngày 27/6/2014, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần đầu.
Ngày 18/7/2014, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 6, hoàn tất việc chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng sang hình thức công ty cổ phần với số vốn điều lệ là 3.269,6 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 92,56% vốn điều lệ, tương ứng 3.026 tỷ đồng.
Ngày 12/8/2015, chính thức niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã cổ phiếu là PHP.
Để lại một phản hồi