Chậm giải trình BCTC bán niên năm 2022, HoSE nhắc nhở Xây dựng Hòa Bình

Ngày 5/9, HoSE đã nhận được công bố ra thị trường Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm 2022 riêng và hợp nhất của Xây dựng Hòa Bình được soát xét bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Tới ngày 8/9, HoSE nhận được công bố thông tin của Xây dựng Hòa Bình giải trình kết quả kinh doanh trước và sau soát xét bán niên năm 2022 có sự chênh lệch từ 5% trở lên.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020: “Khi công bố thông tin các báo cáo tài chính nêu tại 1,2 và 3 Điều này, tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải đồng thời giải trình nguyên nhân khi xảy ra một trong các trường hợp sau lợi nhuận sau thuế trong kỳ báo cáo có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán hoặc soát xét từ 5% trở lên”.

Như vậy, Xây dựng Hòa Bình đã chậm công bố thông tin về giải trình nguyên nhân chênh lệch trước và sau soát xét từ 5% trở lên đối với lợi nhuận sau thuế cho kỳ BCTC soát xét bán niên năm 2022.

HoSE nhắc nhở và đề nghị Xây dựng Hòa Bình nghiêm túc tuân thủ quy định hiện hành về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.

Xây dựng Hòa Bình đã thoái vốn tại CTCP Tiến Phát Tân Thuận

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 7.126,5 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 55,77 tỷ đồng, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,2% về còn 5,6%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 2,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 11,11 tỷ đồng lên 401,37 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 224,6%, tương ứng tăng thêm 164,25 tỷ đồng lên 237,38 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 56,9%, tương ứng tăng thêm 85,14 tỷ đồng lên 237,64 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 22,6%, tương ứng giảm 4,4 tỷ đồng về 15,09 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 48,1%, tương ứng tăng thêm 94,36 tỷ đồng lên 290,34 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng lỗ thêm 7,63 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 24,06 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 16,43 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận lỗ 138,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 25,29 tỷ đồng, tức giảm tới 163,99 tỷ đồng.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ vào doanh thu tài chính.

Hòa Bình có thuyết minh doanh thu tăng chủ yếu lãi chậm thanh toán tăng thêm 97,17 tỷ đồng lên 100,57 tỷ đồng; lãi từ thanh lý công ty con tăng 58,74 tỷ đồng lên 126,52 tỷ đồng …

Được biết, ngày 30/6/022, Hòa Bình đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 50,49% quyền sở hữu tại CTCP Tiến Phát Tân Thuận cho nhà đầu tư với giá trị 250 tỷ đồng, lãi từ giao dịch chuyển nhượng là 126,52 tỷ đồng, phần lãi này đã được ghi nhận trên Báo cáo kết quả hợp nhất. Tính tới 30/6/2022, Hòa Bình không còn nắm quyền sở hữu tại CTCP Tiến Phát Tân Thuận.

CTCP Tiến Phát Tân Thuận được thành lập năm 2016, địa chỉ tại số 235 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM và người đại diện pháp luật là ông Võ Minh Hoàng. Tiến Phát Tân Thuận hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Tiến Phát Tân Thuận được biết tới là chủ đầu tư dự án Ascent Garden Homes, cao 21 tầng, được xây dựng trên khu đất rộng 10.076 m2, tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM.

Thêm nữa, lợi nhuận khác tăng lỗ chủ yếu do ghi nhận tiền phạt 21,85 tỷ đồng so với cùng kỳ chỉ 1,14 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Hòa Bình đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công chỉ mới hoàn thành được 15,9% kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách khá xa kế hoạch năm.

Hòa Bình ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục 1.358,2 tỷ đồng

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hòa Bình ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 1.358,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 691,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 200,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.459,9 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Được biết, từ năm 2006 tới nay, chưa năm nào dòng tiền âm kỷ lục như trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, năm 2017, dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm lớn nhất là 1.095,07 tỷ đồng. Thêm nữa, từ năm 2017 đến năm 2020, Công ty liên tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm với tổng giá trị âm lên tới 2.274,55 tỷ đồng và chỉ mới dương trở lại trong năm 2021 với giá trị 563,52 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Hòa Bình tăng 10,3% so với đầu năm lên 18.289,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 13.013,7 tỷ đồng, chiếm 71,2% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.737,5 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 12,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.475,6 tỷ đồng lên 13.013,7 tỷ đồng. Trong đó, có tới 5.832,2 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, 5.391,2 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng, 1.680,1 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác …

Xét về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 28,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.436,9 tỷ đồng lên 6.534,6 tỷ đồng và chiếm 35,7% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 30,8% tổng nguồn vốn).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/9, cổ phiếu HBC đóng cửa giá tham chiếu 19.000 đồng/cổ phiếu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*