Chuyên gia nói gì về quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65 về trái phiếu?

Nghị định 65 bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bên cạnh việc nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỷ đồng còn cần phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liền kề.

Tại Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, bà Dương Kim Anh, Đồng Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) đánh giá, những thay đổi bổ sung ở Nghị định 65 vừa ban hành là những thay đổi căn bản nhất và cũng lớn nhất từ trước đến nay tập trung vào bốn nhóm.

Một là hướng dẫn một cách rõ ràng hơn về việc xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp dựa theo giá trị giao dịch chứng khoán của họ trong thời gian trước đây.

Thứ hai, đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ phát hành cũng như điều kiện phát hành của các doanh nghiệp.

Nhóm thứ ba là yêu cầu tất cả những trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ phải được lưu ký tập trung ở trên VSD và đưa ra một lộ trình cụ thể cho việc giao dịch trên thị trường thứ cấp các trái phiếu này ở trên Sở giao dịch.

Cuối cùng là quy định một cách rõ ràng hơn về các trách nhiệm của tất cả các đối tượng tham gia thị trường.

Cũng theo bà Kim Anh, sân chơi chính của các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phải là trái phiếu được phát hành ra công chúng. Tuy nhiên, hiện tại lượng trái phiếu phát hành ra công chúng có khối lượng rất nhỏ. Năm ngoái hay 8 tháng đầu năm nay khối lượng phát hành chỉ bằng chưa đến 5% tổng khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ thôi. Chính vì thế mà các nhà đầu tư đã tìm đến kênh trái phiếu riêng lẻ.

“Trong thời gian tới mong rằng kênh phát hành trái phiếu ra công chúng được khai thông để làm sao cho hàng hóa phát hành qua kênh này nhiều hơn và nhà đầu tư có thể lựa chọn được đúng trái phiếu phù hợp với họ. Từ đó họ và các đối tượng tham gia thị trường cũng không phải tìm cách để “lách luật” nữa”, bà Kim Anh nói.

Theo lãnh đạo VCBF, đối với tiêu chí phải có 2 tỷ đồng danh mục chứng khoán và phải duy trì trong một thời gian 180 ngày, ở một góc độ nào đó sẽ làm cho việc chứng minh nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực chất hơn. Tuy nhiên, về mặt lâu dài gốc vẫn là ở chỗ Luật chứng khoán, cần phải sửa những định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp thì sẽ thực chất hơn.

Bởi trên thực tế, có những nhà đầu tư không chỉ có 2 tỷ, họ có thể có 10 tỷ, thậm chí là vài chục tỷ hoặc vài trăm tỷ đồng nhưng trên thực tế họ lại chưa đầu tư chứng khoán bao giờ. “Vậy nên tôi cũng hy vọng rằng trong thời gian tới có thể sửa quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp một cách thực chất hơn để bao gồm tất cả những nhà đầu tư, mặc dù có thể họ không đầu tư chứng khoán trước đây nhưng họ lại rất có năng lực tài chính thì họ cũng có thể được tham gia thị trường”, bà Kim Anh đề xuất.

Thị trường trái phiếu khó sôi động trong một vài tháng tới

Trước câu hỏi, các tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì nghị định 65 sẽ có tác động ra sao, bà Dương Kim Anh cho biết, đối với những đối tượng trung gian thì vai trò của họ chính là bộ lọc. Làm sao cho họ có thể đưa những thông tin chính xác nhất của doanh nghiệp đến cho nhà đầu tư, họ phân phối được đúng đến nhà đầu tư là đối tượng của hàng hóa đó. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sẽ phải điều chỉnh rất nhiều thứ về những quy định nội bộ, thay đổi cả những quy trình phân phối và cách giao tiếp với khách hàng. Thế nhưng việc đó cũng quan trọng và cần thiết. Bởi vì như thế họ cũng sẽ phải nâng cao thêm trách nhiệm của mình.

“Chúng tôi nhìn nhận Nghị định này theo hướng lành mạnh hóa hơn thị trường nhưng mục đích nhất vẫn là để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Bởi vì với những tổ chức là những công ty quản lý quỹ và các công ty chứng khoán mà cũng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì từ trước đến nay chắc chắn cũng đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về các doanh nghiệp, về phân tích tài chính doanh nghiệp, cũng phải xây dựng những quy trình nội bộ lựa chọn ra được những trái phiếu tốt nhất, giảm thiểu được rủi ro đến mức cao nhất và cũng là cho các khách hàng.

Trên thực tế, chúng tôi cũng phải làm việc với các tổ chức tư vấn rồi chính tổ chức phát hành để họ cung cấp những thông tin sâu hơn về hoạt động kinh doanh của họ và đánh giá về khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Vì thế luật để bảo vệ nhà đầu tư là đương nhiên nhưng các nhà đầu tư cá nhân nếu đáp ứng tốt các điều kiện chuyên nghiệp thì cũng nên cân nhắc kỹ khi trực tiếp tham gia các thị trường này. Bởi nếu không có thời gian, không có đủ những kiến thức, không có được đầy đủ các thông tin để mà đánh giá được về mức độ rủi ro khi trực tiếp tham gia thị trường thì nên tìm đến những kênh đầu tư khác, như là mua chứng chỉ các quỹ trái phiếu bởi vì là các quỹ đấy đã được quản lý bởi các công ty chuyên nghiệp.

Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận rõ ràng khi đầu tư vào các quỹ trái phiếu không thể bằng được việc sở hữu trực tiếp trái phiếu đấy. Hiện giờ, thông thường các quỹ trái phiếu cũng sẽ chênh lệch so với tiền gửi tiết kiệm khoảng từ 1-1,5%. Còn nếu trực tiếp sở hữu một trái phiếu thì có những trái phiếu bây giờ bán trên thị trường lên đến 12%-13%. Tuy nhiên, sẽ phải cân bằng với rủi ro. Những trái phiếu mà có lợi tức rất cao như thế thì độ rủi ro cũng rất cao, khi tổ chức phát hành đã gặp khó khăn thì mất là mất hoàn toàn. Vì vậy, nhà đầu tư phải hết sức cân nhắc những quyết định của mình”, bà Dương Kim Anh nói.

Theo bà Kim Anh, bà không kỳ vọng thị trường có thể sôi động ngay trong vài tháng tới nhưng sau một vài tháng khi các doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã điều chỉnh lại các hoạt động, quy trình nội bộ của mình thì sẽ có thể đem đến cho thị trường những trái phiếu chất lượng, minh bạch nhất để thị trường sẽ phát triển lành mạnh hơn trong những năm tới.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*