Cụm liên kết ngành, chủ trương có lâu nhưng mô hình vẫn manh nha

.
Bản đồ cụm liên kết ngành công nghiệp do CIEM đang xây dựng.

CIEM bàn lại về cụm liên kết ngành

Hội thảo “Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam” ngày 6/9 được cho là “sự trở lại” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với “cụm liên kết ngành”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Xuân Thúy, người có hơn 20 năm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp, đã từng cùng với CIEM thảo luận về nội dung này nhiều năm trước đã nhắc đến điều này trong phát biểu của mình.

“Rất vui khi thấy CIEM quay lại vấn đề này, vì đây là công cụ chính sách để tận dụng lợi thế thị trường, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nghề, thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng các FTA… Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp FDI vẫn là đối tượng hưởng lợi hơn trong các chính sách này, trong khi đó sự liên kết với khu vực nội địa lại yếu”, bà Thúy chia sẻ.

Thực tế, cơ cấu ngành, vùng để hình thành các liên kết, cụm liên kết là một nội dung của cơ cấu lại nền kinh tế. Theo các chuyên gia CIEM, trong giai đoạn 2016–2020, cơ cấu lại ngành kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Liên kết ngành, vùng được thúc đẩy; cơ cấu ngành dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông nghiệp được tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng; một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao.

Nhưng tồn tại vẫn lớn. Ông Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng CIEM thừa nhận khi nhắc đến việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm, chưa có nhiều kết quả: cơ cấu ngành kinh tế kém năng động; không có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành kinh tế, về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, về cơ cấu thị trường xuất khẩu, v.v…; ít hình thành các ngành nghề mới, sản phẩm mới (đặc biệt trong xu thế các mạng công nghiệp 4.0), do đó chưa đóng góp đáng kể vào cơ cấu lại các ngành.

“Đặc biệt, chúng ta chưa có các cụm liên kết ngành theo đúng cách hiểu của các nước đang phát triển. Các mối liên kết giữa các tác nhân trong cụm liên kết ngành chưa đủ mạnh. Sự kết nối giữa các tác nhân còn yếu, các kết nối mang tính tự phát trong phân chia tham gia các khâu trong chuỗi giá trị”, ông Đức Anh nhận định…

Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang được dự báo là khó khăn và bất định hơn, rất cần sự tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các và tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài.

Manh nha cụm liên kết

Trong Báo cáo khởi động cho nội dung này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), đại diện nhóm nghiên cứu đã nhắc đến Thaco và Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai như ví dụ hiếm hoi về cụm liên kết trong lĩnh vực công nghiệp đã được hình thành trong giai đoạn vừa qua.

Trong mô hình này, Thaco ở vai nhà sản xuất trong Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai–Trường Hải, từ đó thu hút có chủ đích các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng, tổ hợp cơ khí, hệ thống cảng biển và các đơn vị giao nhận – vận chuyển, các công ty đầu tư – xây dựng, nông nghiệp và các đơn vị hỗ trợ…

Đây chính là con đường hình thành của cụm liên kết các doanh nghiệp lắp ráp cơ điện tử lớn như Canon, Panasonic với các doanh nghiệp cung cấp phụ tùng linh kiện cũng đến từ Nhật Bản như Nissei, Santomas, Yasufuku… ở KCN Thăng Long (Nội Bài, Hà Nội), KCN Nomura Hải Phòng, KCN Tràng Duệ với công ty đầu tàu là Công ty TNHH SL Electronics Việt Nam, doanh nghiệp công ty 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh phụ kiện điện tử cho máy giặt và tủ lạnh, máy hút bụi, xe có động cơ cung cấp cho công ty LG Electronics và xuất khẩu đi các nước.

Ngoài ra, một số cụm liên kết ngành công nghiệp quy mô nhỏ hơn tại tỉnh Nam Định như cụm dệt, sợi và may mặc tại KCN Bảo Minh; chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất máy nông nghiệp tại CCN Xuân Tiến (Xuân Trường); sản xuất cấu kiện, chi tiết, thiết bị phục vụ ngành công nghiệp, cầu đường, xây dựng, khai khoáng tại CCN Đồng Côi (Nam Trực); đóng tàu tại CCN cơ khí đóng tàu thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường)…

Tuy vậy, ông Tùng nhấn mạnh, những kết quả đã thực hiện được rất nhỏ so với chủ trương. Đáng nói là sự hình thành của các cụm liên kết ngành phần lớn là tự phát, không có sự can thiệp trực tiếp có chủ ý ban đầu của Chính phủ và các chính quyền địa phương bằng các quyết định thành lập.

“Chúng tôi thấy có sự thúc đẩy gián tiếp bằng các quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp và có mong muốn của chính quyền địa phương về phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư trong nước và FDI. Nhưng cũng chính vì vậy, việc hình thành các cụm này được chủ động dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nước ngoài mà không phải do kết quả của chính sách thúc đẩy cụm liên kết ngành”, ông Tùng phân tích.

Cũng phải thấy rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vào các KCN, KKT chủ yếu là nhằm khai thác các nguồn sản xuất đầu vào (lao động, đất đai…) giá rẻ và ưu đãi về thuế, tránh thuế suất cao tại quốc gia nơi đặt trụ sở, nên tỷ trọng nguyên vật liệu, dịch vụ nhập khẩu trong giá thành sản xuất tương đối cao.

“Do đó, mối liên kết kinh tế giữa các KCN, KKT với nền kinh tế địa phương nơi đặt KCN, KKT là chưa được phát huy mạnh. Điều này làm giảm tác động lan tỏa của KCN, KKT tới phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”, ông Tùng phân tích.

Đây là những điểm mà các chuyên gia cho rằng cần phải thay đổi khi xây dựng các chính sách thúc đẩy cụm liên kết ngành. Có như vậy mới hình thành được các cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa với các doanh nghiệp trong nước có khả năng đứng đầu chuỗi sản phẩm tầm cỡ khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan toả trong các ngành có nhiều tiềm năng, từ đó đóng góp nhiều vào nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành.

Vẫn cần thay đổi nhận thức

Trong số nhóm giải pháp được các chuyên gia CIEM nhắc tới, tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò của liên kết ngành trong cơ cấu ngành kinh tế vẫn được xếp hạng đầu.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy chia sẻ quan điểm này. “Tôi vừa có dịp đi làm việc với nhiều địa phương liên quan đến xây dựng quy hoạch phát triển, tư duy về liên kết ngành, cụm liên kết ngành rất hạn chế, nên sẽ ảnh hưởng đến hoạch định chính sách”, bà Thúy nói.

Bà cũng đề nghị thống nhất cách hiểu về cụm liên kết ngành với khái niệm của thế giới, trong đó đảm bảo sự quần tụ về địa lý, sự liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và cần một hệ sinh thái gồm cơ sở nghiên cứu, đào tạo… “Thaco đang dẫn đầu cụm liên kết ngành ở Chu Lai – Trường Hải, nhưng cần chính sách để thúc đẩy hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực…, có như vậy mới thực sự là một cụm liên kết theo đúng nghĩa”, bà Thúy

CIEM cho rằng, trước mắt, cần lựa chọn phát triển thí điểm một số mô hình cụm liên kết ngành trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Song song đó là các giải pháp về thị trường cho phát triển cụm liên kết ngành kinh tế; Giải pháp về vốn và thu hút đầu tư cho phát triển cụm liên kết ngành; Giải pháp đẩy mạnh liên kết, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế…

Đặc biệt, các chuyên gia đề xuất xây dựng bản đồ cụm liên kết ngành ở Việt Nam, để làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương phối hợp xây dựng và thực thi chính sách.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*