30 năm gắn bó với lĩnh vực thể thao, ông Seigo nói rằng người Việt Nam nổi tiếng mà ông hâm mộ nhất là cầu thủ Hà Đức Chinh. Dù rất nhiều người đồng tình rằng Chinh không phải ngôi sao số 1 trong bóng đá Việt nhưng sự quyết liệt và không từ bỏ của cầu thủ này mỗi lần được trao cơ hội ra sân để lại cho doanh nhân người Nhật một ấn tượng sâu sắc.
“Tôi chưa bao giờ gặp Hà Đức Chinh ngoài đời nhưng thông qua lối chơi của cậu ấy trên sân, tôi nhận thấy một quyết tâm to lớn và không bao giờ từ bỏ. Tôi tin đó cũng là con người, là phong cách sống của cậu ấy ngoài đời”, ông Seigo nói.
Vị doanh nhân Nhật Bản là người đã đưa chương trình giáo dục thể chất Mizuno Hexathlon vào các trường tiểu học tại Việt Nam. Thử nghiệm tại một số trường từ năm 2018, chương trình đang được mở rộng để triển khai trên cả nước. Theo kết quả ban đầu, lượng vận động của học sinh các trường thử nghiệm đã tăng gấp 4 lần với chương trình này.
– Điều gì đã khiến ông lựa chọn thúc đẩy chương trình giáo dục thể chất đang được áp dụng tại Nhật Bản vào các trường học Việt?
Tôi nghĩ đó là sự tương đồng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, việc rèn luyện thể chất của con người đang không ngừng đi xuống. Trong khi đó, không gian dành cho vui chơi của trẻ em cũng bị bị thay thế bằng các tòa nhà hoặc những công trình hiện đại. Trẻ em tới trường cũng chịu nhiều áp lực học hành, ít có thời gian rèn luyện thể chất.
Ở Nhật Bản, chúng tôi sớm nhận ra vấn đề này. Chính phủ Nhật Bản, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) rất coi trọng chương trình giáo dục thể chất. Là doanh nghiệp với gần 1 thế kỷ hoạt động trong lĩnh vực thể thao, chúng tôi đã nghiên cứu phát triển một chương trình giáo dục thể chất nhằm xây dựng niềm yêu thích vận động cho học sinh vào năm 2012. Với tên gọi chương trình vận động cơ bản Mizuno Hexathlon, chương trình này hiện đã là giáo trình thể dục chính thức trong các trường học của Nhật Bản.
Nước Nhật chúng tôi cũng từng có thời kỳ mà trong các giờ giáo dục thể chất, giáo viên hô khẩu lệnh và học sinh làm theo. Điều này rõ ràng là khiến học sinh không cảm thấy thoải mái. Chúng tôi nhận thấy vấn đề mà trẻ em Việt Nam gặp phải cũng khá tương đồng với trẻ em ở Nhật Bản. Tôi hy vọng các em học sinh Việt Nam cũng được chơi, được vận động một cách thoải mái và tự do nhất trong các giờ giáo dục thể chất, từ đó giúp các em hình thành nên niềm yêu thích vận động.
– Vậy tại sao ông lại lựa chọn Việt Nam mà không phải quốc gia nào khác?
Không chỉ riêng chúng tôi mà rất nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản khác đều đồng tình rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Các bạn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trong nhóm cao nhất thế giới. Việt Nam có sức hút rất đặc biệt với dân số tăng bền vững với khoảng 1 triệu người/năm. Việt Nam cũng là quốc gia có dân số trẻ – minh chứng rõ ràng cho sức khỏe tốt của một nền kinh tế.
Với dân số 100 triệu người cùng tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng, Việt Nam là một thị trường đặc biệt hấp dẫn với các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng như Mizuno.
Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 7 triệu học sinh tiểu học trên toàn quốc. Việc thúc đẩy niềm đam mê vận động cho các em rõ ràng rất quan trọng. Ngay cả khi Mizuno Hexathlon là một chương trình hoàn toàn vì cộng đồng nhưng việc thúc đẩy niềm yêu thích thể thao cho các em nhỏ cũng có thể mang lại cho chúng tôi những lợi ích trong tương lai.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng việc mình làm có thể đóng góp một phần nhỏ vào việc xây dựng và phát triển mối quan hệ, vốn đang ngày càng tốt đẹp, giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Năm 2014, khi lần đầu tới Việt Nam để thúc đẩy chương trình này, chúng tôi chưa có bất cứ hoạt động kinh doanh chính thức nào ở đất nước của các bạn. Đến bây giờ, đã có những đôi giày của Mizuno được sản xuất tại chính Việt Nam.
– Đâu là khó khăn lớn nhất khi mang một chương trình giáo dục thể chất của Nhật vào Việt Nam?
Tôi nghĩ đó chính là sự khác biệt. Dù có nhiều điểm tương đồng nhưng mang một chương trình giáo dục từ nền văn hóa này tới nền văn hóa khác sẽ khó lòng nhận được sự ủng hộ ngay trong giai đoạn đầu tiên. Bên cạnh đó, tôi không biết hành trang mình mang theo có phù hợp với các học sinh Việt Nam hay không.
Tuy nhiên, khi thử nghiệm và thấy các em học sinh vui vẻ trong quá trình vận động, tôi nghĩ mình đã đi đúng hướng. Với những con chip được gắn vào giày các em, chúng tôi nhận thấy lượng vận động của các em đã tăng 4 lần với giáo trình này. Các em cũng thực hiện các thao tác một cách vui vẻ và thoải mái hơn.
Về những khác biệt, tôi tin rằng khi cùng chung mục tiêu, chúng ta sẽ tìm ra cách để giải quyết được những khác biệt ấy.
– Đã gần 10 năm kể từ lần đầu tiên ông tới Việt Nam. Hành trình đó có để lại cho ông cảm xúc đặc biệt gì với đất nước chúng tôi hay không?
Tôi không nhớ mình đã đến Việt Nam bao nhiêu lần trong gần 10 năm qua. Tôi liên tục di chuyển từ Osaka đến Hà Nội, TP.HCM và ngược lại. Việt Nam có 64 tỉnh thành và tôi đã đến được khoảng một nửa trong số đó. Tôi nhận ra rằng mình rất thích văn hóa Việt Nam. Tôi cảm nhận người Việt Nam rất thân thiện và đặc biệt dành sự ưu ái cho người Nhật Bản. Đây là điều may mắn với tôi.
Ở Việt Nam, tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, cả trong công việc lẫn cuộc sống. Khi thấy tôi gặp khó khăn, những người xung quanh đều hỗ trợ một cách nhiệt tình với thái độ vô cùng cởi mở. Điều này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng cảm thấy xúc động và trân trọng. Ngoài ra, tôi được biết rằng Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc về số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản. Tôi nghĩ đó là một sự ưu ái mà các bạn dành cho đất nước chúng tôi.
Về phần mình, tôi cũng cảm thấy mình yêu đất nước này mà không cần lý do gì cả. Chỉ đơn giản là tôi yêu đất nước Việt Nam, yêu con người Việt Nam giống như khi tôi tự hào là một người Nhật Bản và tôi yêu nước Nhật. Đó đều là những tình yêu mà không cần điều kiện.
– Vậy điều gì ở người Việt để lại cho ông những ấn tượng sâu sắc nhất?
Thành thật mà nói, tôi rất thích sự đam mê trong ánh mắt của con người Việt Nam. Nó khác biệt hoàn toàn so với những ánh mắt tôi gặp ở Nhật Bản. Ở Nhật, chúng tôi khá đầy đủ về vật chất nhưng sự tương tác giữa mọi người rất rời rạc. Còn ở Việt Nam, dù còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua nhưng những người tôi tiếp xúc đều rất cởi mở, nồng ấm nhưng không thiếu sự nhiệt huyết để đạt tới những đỉnh cao mới trong cuộc sống. Người Việt Nam luôn rất nỗ lực, say mê để đạt được thành công. Tôi cảm nhận được nhiều năng lượng từ họ.
Ở Việt Nam, người nổi tiếng mà tôi yêu thích là cầu thủ Hà Đức Chinh. Trên sân bóng, cậu ấy thường rất quyết liệt và không từ bỏ. Đây cũng là điều tôi cảm thấy mới mẻ so với ở người Nhật Bản. Hà Đức Chinh không phải là người có nền tảng vật chất tốt nhưng bây giờ, gia đình cậu ấy đã có điều kiện sống đầy đủ hơn rất nhiều.
– Khi triển khai các hoạt động ở Việt Nam, các doanh nghiệp có nhận được sự hỗ trợ gì từ các cơ quan hữu quan của Nhật Bản hay không?
Chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản và cả sự tạo điều kiện từ các bộ ban ngành của Việt Nam. Trong quá trình triển khai, Mizuno Hexathlon thường xuyên nhận được sự ủng hộ, hợp tác và khích lệ của cố Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ Giáo dục, Cục Thể thao, Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế công nghiệp, ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO). Chúng tôi cũng được hỗ trợ rất nhiều bởi Bộ Giáo dục của các bạn. Nếu không có sự hỗ trợ đó, chúng tôi cũng không thể đạt được thành tích như hiện tại.
– Ông từng có mặt trong đoàn tháp tùng cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sang Việt Nam. Có kỷ niệm nào khiến ông nhớ mãi trong chuyến đi đó?
Được tháp tùng ngài cố Thủ tướng Shinzo là vinh dự lớn lao với tôi. Chuyến đi đó giúp tôi hiểu hơn về vai trò, vị thế của Việt Nam trong tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Nhật Bản.
Về cá nhân, tôi luôn dành những sự tôn trọng cao nhất cho cố Thủ tướng Shinzo Abe vì nhiều lý do khác nhau, trong đó đặc biệt nhất là tinh thần bất khuất và không bao giờ chấp nhận từ bỏ của ngài Thủ tướng. Cũng nhờ cơ hội tháp tùng ngài Thủ tướng, tôi đã nhận được những sự khích lệ từ đích thân ông Abe. Điều đó khiến tôi luôn nỗ lực và không bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình ở Việt Nam.
Để lại một phản hồi