“Chúng tôi không chấp nhận những cuộc trưng cầu dân ý giả cũng như bất cứ hình thức thôn tính nào. Chúng tôi quyết tâm buộc Điện Kremlin phải trả giá vì để gây thêm leo thang. Chúng tôi đang đề xuất gói trừng phạt gay gắt mới”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết hôm 28/9.
Gói trừng phạt sẽ bao gồm lệnh cấm nhập khẩu một số hàng hóa Nga, được ước tính khiến Nga mất khoảng 7 tỷ USD doanh thu một năm. Các công ty châu Âu sẽ bị cấm cung cấp thêm dịch vụ cho Nga và công dân châu Âu không được phép đảm nhận vị trí trong hội đồng quản trị của các công ty nhà nước Nga.
EU hồi tháng 5 đã nhất trí cấm dầu Nga và lệnh này sẽ có hiệu lực đầy đủ vào tháng 12. Việc thúc đẩy áp giá trần dầu Nga trong vòng trừng phạt mới nhằm hạn chế mức tiền các nước thứ ba, như Trung Quốc và Ấn Độ, trả cho dầu thô của Nga. Để làm được điều này, họ sẽ cần áp hạn chế đối với các công ty châu Âu vận chuyển hàng hóa dầu của Nga đến phần còn lại của thế giới. Hồi đầu tháng 9, G7 đã nhất trí áp giá trần dầu Nga nhưng chưa nêu rõ chi tiết.
Gói trừng phạt mới được EC đề xuất không bao gồm những động thái quyết liệt hơn như áp lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga, do Ba Lan và ba nước Baltic đưa ra.
Phát biểu bên cạnh bà von der Leyen, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết khối này cũng đang mở rộng thêm danh sách trừng phạt, gồm những người thuộc lĩnh vực quốc phòng Nga, những người liên quan trưng cầu dân ý ở 4 vùng Ukraine và hỗ trợ Nga né trừng phạt.
EC dự kiến trình bày chi tiết các đề xuất về vòng trừng phạt thứ tám tới các nước thành viên trong cuộc họp kín cùng ngày. 27 nước thành viên sẽ có phiên thảo luận đầu tiên vào ngày 30/9 trước khi các lãnh đạo nhóm họp ở Prague ngày 6-7/10.
EU đã áp 7 vòng trừng phạt với Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Lệnh trừng phạt đã nhắm vào các lĩnh vực thiết yếu của Nga như vàng và năng lượng. Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, hôm 9/9 nói rằng phương Tây đã áp 11.000 lệnh trừng phạt với Nga.
Đại học Yale, một trong những đại học lâu đời nhất ở Mỹ, nhận định nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng từ lệnh trừng phạt phương Tây và các doanh nghiệp quốc tế rút khỏi thị trường. Trong khi đó, giới chức Nga thừa nhận nền kinh tế gặp khó khăn nhưng khẳng định Moskva chống chọi rất tốt với đòn trừng phạt.
Ngọc Ánh (Theo Reuters/AFP)
Để lại một phản hồi