Đánh giá lãi suất cao hơn tạo lực cản với thị trường chứng khoán, các chiến lược gia tại Goldman đã hạ tỷ trọng đầu tư cổ phiếu xuống mức thấp hơn trong danh mục đầu tư toàn cầu trong 3 tháng tới, đồng thời tiếp tục gia tăng nắm giữ tiền mặt. Trong khi đó, BlackRock khuyến nghị nhà đầu tư nên “tránh xa phần lớn cổ phiếu”, nhấn mạnh chiến thuật ưa chuộng tiền mặt và hạ tỷ trọng cổ phiếu của các thị trường phát triển trong ngắn hạn.
“Định giá hiện tại của thị trường chứng khoán có khả năng chưa phản ánh hết các rủi ro và có thể sẽ còn giảm mạnh hơn nữa”, Goldman Sachs nhận định.
Vào cuối tuần trước, Goldman đã dự báo chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 3.600 điểm, so với mức 4.300 điểm được đưa ra trước đó. Cả chỉ số S&P 500 (thị trường Mỹ) và chỉ số Sroxx Europe 600 (thị trường châu Âu) đều đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 tới nay.
Trong khi đó, các chiến lược gia tại BlackRock Investment Institue chia sẻ: “Chúng tôi không nhìn thấy khả năng hạ cánh mềm. Điều này đồng nghĩa với việc các tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán sẽ tiếp tục biến động mạnh và chịu nhiều áp lực”.
Không riêng Goldman Sachs và BlackRock có cái nhìn bi quan hơn với thị trường chứng khoán, nhiều tổ chức toàn cầu khác cũng có chung góc nhìn, trong đó có Morgan Stanley và JPMorgan Asset Management. Lý do chủ yếu được đưa ra là việc Mỹ, các quốc gia châu Âu và nhiều nền kinh tế khác đang nâng lãi suất để chống lại lạm phát. Môi trường lãi suất cao tạo tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán, chưa kể tới việc tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và rủi ro nền kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái hiện hữu.
Trong bối cảnh thị trường tiếp tục rung lắc, JPMorgan Asset cũng hạ tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong quý IV/2022. Sylvia Sheng, chiến lược gia các loại tài sản thị trường toàn cầu của JPMorgan cho biết, hãng đang ưa chuộng các loại tài sản với xếp hạng tín dụng cao hơn và đề cập khả năng tăng trưởng trì trệ tại Mỹ, châu Âu bước vào suy thoái trong 12 tháng tới.
Để lại một phản hồi